Dệt Phong Phú (PPH) lên mục tiêu lãi gần 400 tỷ đồng, cổ tức 2022 bằng tiền tỷ lệ 30%

16/05/2023 17:52 GMT+7
Năm 2023, Dệt Phong Phú (PPH) lên mục tiêu lãi sau thuế đạt 397 tỷ đồng, giảm gần 17% so với thực hiện năm trước đó.

Tổng Công ty cổ phần Phong Phú (Dệt Phong Phú, UPCoM: PPH) vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 15/5 vừa qua. 

Theo đó, Đại hội thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 2.250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 397 tỷ đồng (giảm 16,8% so với thực hiện năm 2022). Trong đó công ty mẹ với kỳ vọng doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng.

Năm 2022, Dệt Phong Phú đạt doanh thu hợp nhất hơn 2.228 tỷ đồng, trong đó doanh thu của công ty mẹ đạt 1.763 tỷ đồng, bằng 103,7% so với kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 479,6 tỷ đồng, bằng 126,2% so với kế hoạch năm, trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 326,7 tỷ đồng, bằng 116,7% so với kế hoạch năm.

Về phân phối lợi nhuận, Đại hội nhất trí chia cổ tức năm 2022 bằng tiền tiền tỷ lệ 30% (1 cổ phiếu nhận về 3.000 đồng); cổ tức dự kiến năm 2023 chia tỷ lệ 20-25%.

Dệt Phong Phú (PPH) lên mục tiêu gần 400 tỷ đồng, cổ tức 2022 bằng tiền tỷ lệ 30% - Ảnh 1.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của PPH

Năm 2023, Công ty tiếp tục phát triển 2 chuỗi cung ứng sợi chỉ may và sản phẩm gia dụng (khăn bông và các sản phẩm tương tự).

Về ngành sợi: Tiếp tục phân bổ nguồn lực hợp lý cho ngành sợi chỉ may. Tích cực chủ động cùng đối tác Coats cải tiến và phát triển thêm mặt hàng mới; đa dạng các chủng loại sợi mộc có giá trị cao cung cấp cho Coats.

Với ngành gia dụng: Phát triển mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục củng cố các kênh bán hàng truyền thống, phát triển mới các kênh bán hàng kỹ thuật số. Có lộ trình hợp lý sản xuất theo hướng tinh gọn, phù hợp xu thế, đáp ứng yêu cầu nhanh và giảm chi phí sản xuất.

Tại phiên thảo luận, cổ đông bày tỏ chưa hài lòng với kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022. Theo đó, cổ đồng này để nghị Công ty dừng việc đầu tư vào các khoản mục không hiệu quả và hạn chế các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 cao hơn nhiều so với năm trước đó đã thể hiện sự đổi mới, cải thiện quản trị doanh nghiệp của HĐQT và Ban điều hành. Thông qua việc thực hiện một loạt giải pháp tích cực, hiệu quả để hạn chế và đi đến triệt tiêu các mặt hạn chế, đặc biệt là tinh thần làm việc của cán bộ nhân viên trong quá trình các cơ quan kiểm tra việc Phong Phú hợp tác với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Sau khi có kết luận thanh kiểm tra, theo đó Phong Phú không có sai phạm, cán bộ nhân viên mới phục hồi tinh thần để tập trung cao vào sản xuất kinh doanh.

Trước đề nghị của cổ đông về cung cấp thông tin tỷ trọng sợi cung cấp cho Coats, công ty Gia dụng và xuất khẩu, doanh thu từ nguồn cung ứng, ông Trần Quang Nghị cho biết, các khoản đầu tư của Phong Phú vào các liên doanh, liên kết, đầu tư vào các công ty khác có khoản rất tốt của Coats Phong Phú, không chỉ là kết quả của bên đối tác mà còn do sự hỗ trợ, cung cấp, tham gia của Phong Phú như cung cấp sợi nguyên liệu chất lượng cao, chi phí hợp lý, lãi định mức thấp và không cung cấp cho đối thủ cạnh tranh của Coats.

"Các khoản đầu tư khác chưa hiệu quả là do cơ chế chính sách của Nhà nước hiện đang được Chính phủ tháo gỡ theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp. HĐQT Phong Phú tiếp thu ý kiến cổ đông và sẽ cố gắng, linh hoạt giải quyết nhanh nhất có thể", ông Nghị nói.

Trong quý I/2023, Dệt Phong Phú ghi nhận doanh thu thuần giảm 9,6% xuống gần 405 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt gần 85 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 125,2 tỷ đồng, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình kết quả này, PPH cho biết do nhu cầu tiêu thụ dệt may tại các thị trường lớn như Mỹ, EU suy giảm vì lạm phát cao và lãi suất tăng, tốc độ tăng trưởng từ quý IV/2022 đã chậm lại kéo theo đến quý I/2023. Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất như dệt may, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định.


O.L
Cùng chuyên mục