Đi tiên phong về giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, thế giới ngưỡng mộ Việt Nam

Khương Lực Thứ tư, ngày 03/01/2024 17:39 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành NNPTNT, ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, các nước trên thế giới hoan nghênh và ngưỡng mộ Việt Nam khi đi tiên phong trong việc phát động trồng 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và giảm phát thải nhà kính trong sản xuất lúa.
Bình luận 0

Đại diện cho ngành hàng còn non trẻ, mới thành lập được 3 tuần, ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, khi nhận thông tin Chính phủ phê duyệt "đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" các nước rất hoan nghênh. Đề án này sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Việt Nam.

Đi tiên phong về giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, thế giới ngưỡng mộ Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam: Thế giới hoan nghênh và ngưỡng mộ khi nhận thông tin Việt Nam triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: NN

Theo ông Bổng, trong những năm qua, ngành lúa gạo Việt Nam đóng góp rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thế giới. Đây là ngành có tác động rất lớn trong giảm phát thải khí nhà kính, bởi hơn gần nửa khí nhà kính phát thải từ trồng lúa. Chính vì thế, việc Việt Nam đi tiên phong giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa được thế giới rất ngưỡng mộ.

Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam đã có những dấu ấn nổi bật khi kim ngạch xuất khẩu đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%. Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới. "Năm nay các nước bị áp lực về lương thực, nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu với kim ngạch cao, tạo dựng được thương hiệu gạo chất lượng cao" - ông Bổng nói và cho biết 30 năm, năm nào Việt Nam cũng xuất khẩu từ 5-8 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, ông Bổng cho rằng, chúng ta đang có 2 món nợ: thứ nhất, nông dân sản xuất lúa gạo có thu nhập còn quá thấp; thứ hai nợ môi trường vì sản xuất sử dụng nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, gây phát thải khí nhà kính.

Chính vì thế, đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp được triển khai sẽ giúp ngành NNPTNT giải 2 lời nguyền còn tồn tại trong ngành lúa gạo, góp phần chống biến đổi khí hậu. Đây là một sáng kiến đặc biệt của Việt Nam. 

Việc thực hiện đề án này cũng rất khả thi, bởi Việt Nam có thế mạnh về  khoa học công nghệ cùng bộ giống lúa tốt; Trình độ sản xuất lúa của Việt Nam ở mức tiên tiến; Hạ tầng thủy lợi cũng rất tốt so với mặt bằng chung. "Rất ít quốc gia làm được thủy lợi tốt như Việt Nam. Chính sách của Nhà nước từ xưa đến nay cũng rất nhiều ưu đãi cho lúa gạo" - ông Bổng nói và cho biết Việt Nam đã xác định lúa gạo là trụ cột an ninh lương thực quốc gia.

Để triển khai thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa, ông Bổng cho rằng cần giải quyết ngay mắt xích yếu nhất là sự liên kết nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp. Cùng với đó, cần sớm triển khai thí điểm thị trường carbon cho ngành lúa gạo

Đi tiên phong về giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, thế giới ngưỡng mộ Việt Nam- Ảnh 2.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ NNPTNT. Ảnh: NN

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Namnhận định, trong vài thập kỷ qua, ngành gỗ Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, bứt phá nhanh và trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ lớn của thế giới.

Tuy nhiên, trong năm 2023 do nhu cầu thị trường giảm nên kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022. Ước tính xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chỉ đạt 79% kế hoạch đề ra hồi đầu năm.

"Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp và Hiệp hội đang xem xét, tái cấu trúc lại. Như Bộ trưởng nhắc trong bối cảnh nhiều biến động, bất trắc, bất ổn thì cần xem xét lại để phát triển" - ông Hoài nói và cho biết ngành gỗ có thời kỳ dài bị các nước phê phán, thậm chí lên án vì liên quan tới việc phá rừng, suy giảm diện tích rừng. Tuy nhiên, gần đây ngành lâm nghiệp đã chuyển đổi mạnh mẽ, đồng hành cùng cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Liên quan tới quy định của châu Âu về chống phá rừng (EUDR), ông Hoài cho rằng, đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành. Trong khi các quốc gia còn lúng túng trước quy định, Việt Nam đã kiên quyết triển khai kế hoạch hành động. 

Tuy nhiên, ông Hoài cũng đề nghị với người đứng đầu Chính phủ khi làm việc với các thị trường lớn, cần tiếp tục nhấn mạnh không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gây thiệt hại cho cả hai bên. Cùng với đó, ông cũng đề xuất Bộ Ngoại giao nâng cao truyền thông, đối ngoại về ngành công nghiệp gỗ bền vững, giúp các quốc gia hiểu được nỗ lực chuyển đổi bền vững của Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem