Giá gạo xuất khẩu đạt đỉnh 10 năm, dự báo "nóng" về ngành gạo 6 tháng cuối năm

22/07/2023 14:58 GMT+7
Tính từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, giá gạo xuất khẩu ước đạt 539 USD/tấn – mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, xuất khẩu gạo trong quý III và quý IV/2023 sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu gạo tăng có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế.

Giá gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong 10 năm qua

6 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng.

Giá trị xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản. Lượng xuất khẩu gạo ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt bình quân 560 USD/tấn trong tháng 6 vừa qua, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, giá gạo xuất khẩu ước đạt 539 USD/tấn – mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Giá gạo xuất khẩu đạt lên cao nhất trong 10 năm, dự báo nóng về triển vọng ngành gạo 6 tháng cuối năm  - Ảnh 1.

Nguồn: SSI

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của sự suy giảm này là do tình hình xuất khẩu còn rất nhiều khó khăn trong bối cảnh lạm phát tăng cao, suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Triển vọng ngành gạo trong 6 tháng cuối năm 2023

Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương (DGFT) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ ra quyết định cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo Basmati. Quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ diễn ra trong thời điểm giá gạo thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua.

Những thông tin về việc Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo đang được DN theo dõi sát sao. Bởi Ấn Độ hiện chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

Nếu lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thông qua, giá gạo trên thế giới sẽ tăng đáng kể; đồng thời tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam và Thái Lan gia tăng thị phần.

Về thông tin Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường phân tích: nếu lệnh cấm này được thực hiện, giá gạo trên toàn cầu sẽ tăng đột biến. Vì Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong khi giá gạo phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung. Cung khan hiếm sẽ đẩy giá gạo lên cao, vấn đề này đã từng xảy ra thời điểm năm 2008.

Giá gạo xuất khẩu đạt lên cao nhất trong 10 năm, dự báo nóng về triển vọng ngành gạo 6 tháng cuối năm  - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, xuất khẩu gạo trong quý III và quý IV/2023 sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Ảnh minh họa

SSI Research cho rằng, nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng lên do thời tiết bất lợi. Tại châu Âu, thời tiết khô hạn đang khiến cây trồng héo úa và làm chậm hoạt động gieo trồng ở một số quốc gia sản xuất nông sản hàng đầu châu Âu.

Trong khi đó, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm 2022 với mưa nhiều, và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, cho ra sản lượng ổn định (theo dự báo USDA). Dù khả năng xuất hiện El Nino tăng cao từ tháng 6 trở đi khiến nhiệt độ tăng cao, giảm lượng mưa, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) vẫn dự báo sản lượng gạo Việt Nam vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn con số 20 triệu tấn của Thái Lan.

Chi phí đầu vào dự kiến hạ nhiệt trong năm 2023 do động thái từ Châu Âu và nguồn cung phân bón thế giới gia tăng giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Giá khí đốt (nguyên liệu đầu vào của phân bón) được dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm 2023 nhờ: Các nước châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga. Đồng thời gia tăng dự trữ và cắt giảm sử dụng khí đốt mạnh tay. Theo World Bank, dự báo giá phân Ure sẽ giảm 10% trong năm 2023 và giảm tiếp 8% trong năm 2024.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ. Ngày 23/5, NHNN đã có quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5/2023 sau khi đã giảm 2 lần vào tháng 3 năm 2023.

Theo đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm Mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay, các doanh nghiệp ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Chi phí lãi vay tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy với kỳ vọng NHNN tiếp tục giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí lãi vay và cải thiện biên lợi nhuận.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, xuất khẩu gạo trong quý III và quý IV/2023 sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đến cuối năm nay do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao kỷ lục trong hai năm 2023 - 2024, trong khi sản lượng sản xuất và tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Dự kiến năm 2023, sản lượng lúa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 24 triệu tấn, trong đó khoảng 13 tấn dành cho xuất khẩu. Đây sẽ là nguồn cung gạo hàng hóa lớn, thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Chia sẻ trên báo chí, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, cách đây ít ngày, Công ty trúng thầu xuất khẩu hơn 16.600 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá lên tới 674 USD/tấn. Đơn hàng này sẽ được Trung An cung cấp cho đối tác trong tháng 7/2023.

Theo ông Bình, đây chỉ là một trong số hàng loạt những gói thầu mà DN này liên tiếp trúng thầu trong thời gian vừa qua, nhất là trong nửa đầu năm 2023 để cung cấp cho thị trường các nước, trong đó có những thị trường xuất khẩu “khó tính” với mức giá hấp dẫn.

Về giá gạo, theo đại diện DN, mức giá bán trên được đánh giá là cao hơn đáng kể so với các nước XK gạo lớn khác tại châu Á. Có được kết quả này, ông Bình cho rằng, một phần do nhu cầu thế giới tăng, nhưng quan trọng là do cơ cấu, chất lượng gạo của Việt Nam đã được cải thiện. Đây được xem là lợi thế để Việt Nam tận dụng triệt để trong thời gian tới.


O.L
Cùng chuyên mục