Dịch bệnh, thiên tai khiến nợ thuế, đặc biệt nợ khó đòi tăng cao
Thống kê của Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế- Tổng cục Thuế cho thấy, trong 9 tháng năm 2020, ngành thuế đã thu được 20.292 tỷ đồng, đạt 60% chỉ tiêu được giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Với kết quả này thì trong những tháng cuối năm, toàn ngành phải phấn đấu thu đạt 13.508 tỷ đồng (bình quân 1 tháng thu đạt khoảng 4.503 tỷ đồng). Để thực hiện được mục tiêu này, Tổng cục Thuế đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, thu nợ thuế.
Về tình hình thu nợ thuế, theo Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế - Tổng cục Thuế Đoàn Xuân Toản, tính đến cuối tháng 9/2020, tổng nợ thuế do ngành thuế quản lý chiếm khoảng 8,5% tổng số thu nội địa. Trong đó, số nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh) chiếm 44% tổng số tiền thuế nợ (46.477 tỷ đồng), tăng 11,1% so với so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân nợ thuế, ông Toản cho biết, nợ thuế đang có xu hướng tăng do những tháng đầu năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp - phải thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo quy định của Chính phủ, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua một số người nộp thuế gặp phải sự cố không mong muốn như: thiên tai, bão lụt, bị hỏa hoạn, hoặc gặp trường hợp bất khả kháng khác, bản thân doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến người nộp thuế không còn nguồn tài chính để nộp kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN và phát sinh tiền chậm nộp thuế.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì vẫn còn một số người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp khiến nợ thuế ngày càng tăng thêm.
Ông Toản nhấn mạnh trong những tháng cuối năm 2020, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, thiên tai lũ lụt ở các tỉnh miền Trung đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại phải giải thể, phá sản, không còn nguồn tài chính để nộp thuế cho ngân sách. Do đó công tác thu ngân sách, cũng như quản lý thu nói chung và thu nợ thuế nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Về giải pháp thu hồi nợ thế trong thời gian tới, Tổng Cục Thuế cho biết, đơn vị đang chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý và thu hồi nợ đọng thuế. Theo đó, các cục thuế, chi cục thuế cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; xử lý, giải quyết ngay việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.
Đối với những người nộp thuế bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh. thiên tai, lũ lụt, cơ quan thuế cần hướng dẫn để người nộp thuế sắp xếp dòng tiền, phân kỳ, nộp dần tiền nợ thuế góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Riêng những trường hợp không bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng cố tình chây ỳ, nợ thuế, không thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, cơ quan thuế sẽ thực hiện nghiêm minh các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ; công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế như: bỏ trốn, tấu tán tài sản nhằm chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm.