Dịch Covid-19: 9 triệu người Trung Quốc có nguy cơ mất việc, doanh nghiệp đối diện phá sản

15/03/2020 06:05 GMT+7
Đã nhiều tuần kể từ khi Chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nhà máy hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể khôi phục hoạt động sản xuất bình thường do hệ quả nặng nề từ dịch virus corona (Covid-19).

Thiếu hụt lao động trầm trọng

Trong khi Bắc Kinh tuyên bố hơn 90% các doanh nghiệp và công ty nhà nước đã trở lại sản xuất kinh doanh, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ (trừ tỉnh Hồ Bắc) hiện khôi phục hoạt động, theo số liệu từ Bộ Công nghiệp Trung Quốc hôm 13/3.

Hạn chế giao thông và lệnh cách ly kiểm dịch bắt buộc 14 ngày là lý do khiến nhiều người không thể quay trở lại nhà máy, công ty - theo ông Xin Guobin, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp. Lực lượng lao động có hạn là một trong những yếu tố lý giải tại sao tỷ lệ các nhà máy hoạt động trở lại cho đến nay vẫn thấp.

Dịch Covid-19: 9 triệu người Trung Quốc có nguy cơ mất việc, doanh nghiệp đối diện phá sản - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc gần như "tê liệt" nhiều tuần vì dịch Covid-19, và đến nay vẫn chưa khôi phục năng lực sản xuất thông thường (Ảnh: AFP)

Bắc Kinh đã đề xuất các biện pháp đặc biệt nhằm hỗ trợ khoảng 80 triệu doanh nghiệp nhỏ và 200 triệu hộ gia đình trên toàn quốc xoa dịu tác động từ dịch Covid-19, bao gồm miễn giảm thuế và tăng cường nguồn tín dụng cho vay thông qua bơm thanh khoản vào nền kinh tế, giảm chi phí vay bằng cách cắt giảm lãi suất… Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có thống kê cụ thể về hiệu quả của những biện pháp như vậy trong việc kích thích nền kinh tế.

Dan Wang, nhà phân tích của The economist Intelligence Unit nhận định sự gián đoạn sản xuất kinh doanh do dịch virus corona có thể khiến 9 triệu lao động ở các thành phố rơi vào cảnh mất việc trong khi 18-30 triệu người khác bị giảm thu nhập từ 30-50%.

Ngành thực phẩm, đồ uống chịu tác động nặng nề

Theo Qichacha, một công ty nghiên cứu dữ liệu kinh doanh Trung Quốc, có khoảng 20 triệu doanh nghiệp đất nước này đang hoạt động trong ngành kinh doanh thực phẩm và đồ uống. 95% trong số đó thuộc nhóm kinh doanh hộ gia đình.

Những doanh nghiệp nhà hàng, quán bar, thực phẩm, đồ uống...; là kẻ gánh chịu tác động tiêu cực ngay lập tức từ dịch Covid-19, theo phân tích của các chuyên gia. Thậm chí, ngay cả khi đường phố Bắc Kinh đã trở lại đông đúc tấp nập hơn, nhiều nhà hàng vẫn đóng cửa do chính quyền thành phố vẫn cấm các bữa tiệc đông người. Một số nhà hàng đã mở cửa chỉ được phép phục vụ các nhóm khác 2-3 người.

Gao Hu, giám đốc cấp cao công ty Alvarez & Marsal tại Bắc Kinh cho biết doanh số bán hàng trong hai tháng đầu năm 2020 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. “Sự trở lại của lực lượng lao động còn ít ỏi là một trong những yếu tố quan trọng lý giải tỷ lệ phục hồi quá thấp của lĩnh vực kinh doanh nhà hàng”. Cô Gao chỉ ra mới có khoảng 20% công nhân từ các thành phố, khu vực lân cận trở về Bắc Kinh, tương ứng với khoảng 40% nhà hàng mở cửa trở lại.

Đáng nói hơn, các nhà hàng, quán ăn là nơi sử dụng nhiều lao động từ những khu vực nông thôn kém phát triển của Trung Quốc, tạo ra nhiều việc làm cho người không có bằng cấp. 

Triển vọng phục hồi kinh tế ảm đạm

Su Guoxia, phát ngôn viên của Văn phòng xóa đói giảm nghèo Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo hồi đầu tuần, rằng chỉ có khoảng 14,2 triệu lao động nhập cư đã trở lại làm việc, tính đến ngày 5/3, tức khoảng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng phục hồi doanh nghiệp Trung Quốc càng khó khăn hơn khi dịch virus corona bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Hàn Quốc, khối EU, Anh… Chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa đứng trước nguy cơ tê liệt bên ngoài phạm vi Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi dịch Covid-19 tại Trung Quốc được dập tắt và người lao động địa phương trở lại, chưa chắc các doanh nghiệp có thể khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh do nhu cầu giảm mạnh, vật tư sản xuất thiếu hụt. Dịch bệnh bùng phát càng lâu, nguy cơ doanh nghiệp phá sản càng trầm trọng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục