Dịch Covid-19 và xăng dầu giảm sốc: Trăm nghìn tỷ doanh thu 2020 của 2 “ông lớn” xăng dầu và dầu khí bốc hơi

06/04/2020 16:19 GMT+7
Quý I/2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước lỗ 572 tỷ đồng trong khi đó “ông lớn” ngành dầu khi là Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) “bốc hơi” hơn 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dự kiến, doanh thu cả năm Petrolimex và PVN sụt giảm lần lượt hơn 12.500 tỷ và 141.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, do diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, người dân hạn chế đi lại, dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, du lịch, dịch vụ phải tạm dừng, giá dầu giảm mạnh dẫn đến một số doanh nghiệp thuộc Uỷ ban phải chịu tác động kép.

Trong quý I/2010, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước đạt 28.449 tỷ đồng doanh thu, giảm 1.706 tỷ so với cùng kỳ 2019, ước lỗ 572 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch 2020. Theo đó, nộp ngân sách nhà nước dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch nếu dịch kéo dài đến quý IV năm nay.

Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu lỗ là do Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý I/2020, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.

Dịch Covid-19 và xăng dầu giảm sốc: Trăm nghìn tỷ doanh thu 2020 của 2 “ông lớn” xăng dầu và dầu khí bốc hơi  - Ảnh 1.

Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của Petrolimex sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.

Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp các hãng hàng không trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước và quốc tế, nhu cầu vận tải đường thuỷ đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex.

Không nằm ngoài cuộc, "ông lớn" dầu khí là Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng bị ảnh hưởng mạnh khi giá dầu xuống thấp. Theo số liệu tài chính hợp nhất Tập đoàn, trong quý I/2020, tổng doanh thu của PVN ước đạt 88.300 tỷ đồng, giảm 13.194 tỷ so với cùng kỳ 2019, tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỷ đồng, giảm 4.580 tỷ so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm gần 51% .

Theo báo cáo của PVN, trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng sẽ làm doanh thu bán dầu thô năm 2020 của PVN giảm tương ứng 9.200 tỷ đến 55.100 tỷ, tổng doanh thu giảm từ 23.000 tỷ đến 141.000 tỷ, nộp ngân sách giảm từ 5.000 tỷ đến 27.100 tỷ so với kế hoạch được phê duyệt.

Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài Chính, Công Thương xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng xăng dầu sản xuất trong nước để PVN có thể xuất khẩu các sản phẩm này, giảm lượng hàng tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động. Xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường các sản phẩm xăng dầu trong năm 2020 cho các doanh nghiệp vận tải.

Kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời gian vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đẩm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số Tập đoàn như Hoá Chất, Tổng công ty Đường Sắt, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, VNPT, PVN…

Đáng chú ý, Uỷ ban đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục