Dịch virus corona đang thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ rút chân khỏi Trung Quốc
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang xem xét tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế để giảm sự phụ thuộc vào thị trường sản xuất Trung Quốc, theo kết quả một cuộc điều tra được thực hiện bởi Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc và Singapore.
Hơn một nửa trong số 169 doanh nghiệp Mỹ được hỏi trong cuộc khảo sát bởi AmCham Trung Quốc từ hôm 17-20/2 đã khẳng định doanh số bán hàng trên thị trường Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm mạnh nếu dịch virus corona không được kiểm soát vào tháng 4 và tiếp tục gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Khoảng 1/5 doanh nghiệp ước tính doanh số sẽ giảm khoảng 50% nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 8. 1/10 doanh nghiệp trong khảo sát cho biết họ đang thiệt hại ít nhất 500.000 nDT (khoản 71.200 USD) mỗi ngày do sự trì trệ sản xuất và kinh doanh. Nguyên nhân chính là do năng suất lao động của nhân viên giảm trong khi chi phí hoạt động, sản xuất và kinh doanh tăng trong chuỗi cung ứng.
Còn cuộc khảo sát của Amcham Singapore với 225 doanh nghiệp cho thấy 28% số doanh nghiệp được hỏi đang tìm kiếm hoặc sử dụng các chuỗi cung ứng thay thế từ những thị trường khác để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Hai kết quả khảo sát đã một lần nữa làm rõ thêm tác động của dịch virus corona đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh thương chiến Mỹ Trung đã tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng từ trước đó. Theo IHS Markit, nền kinh tế Trung Quốc hiện chiếm 16,5% quy mô sản xuất trên toàn thế giới trong năm 2019.
Các công ty Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc, bắt đầu từ những năm 1980 khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Ước tính, tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 lên tới 6,8 tỷ USD, do Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng bậc nhất để quảng bá sản phẩm và dịch vụ. General Motors đã đặt nhà máy sản xuất ô tô tại Trung Quốc từ năm 1997, trong khi Starbucks mở nhiều cửa hàng cà phê ở Trung Quốc hơn bất cứ quốc gia nào khác. Tesla hồi tháng 12/2019 cũng hoàn thành nhà máy lắp ráp đầu tiên ở nước ngoài - nhà máy Gigafactory trị giá 2 tỷ USD tại Thượng Hải. Nhưng giờ đây, dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc gần như đã thay đổi xu hướng đầu tư đó, khi nhà đầu tư quan ngại về những rủi ro từ sự phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế Trung Quốc.
Apple, Microsoft và HP là những tập đoàn mới nhất tuyên bố điều chỉnh giảm triển vọng doanh thu hàng quý do dịch virus corona làm gián đoạn hoạt động sản xuất laptop, smartphone và nhiều thiết bị điện tử khác. Walt Disney cũng ước tính thiệt hại 135 triệu USD doanh thu khi công viên giải trí Disney Thượng Hải - công viên lớn nhất Châu Á bị đóng cửa hai tháng liền.
Đó là chưa kể sự bốc hơi giá trị thị trường các doanh nghiệp trên sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu, khi nhà đầu tư lo ngại hơn bao giờ hết nguy cơ suy thoái kinh tế. Hồi đầu tuần này, 5 gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Apple, Facebook, Amazon, Microsoft và Alphabet vừa mất tổng cộng 238 tỷ USD giá trị thị trường sau phiên giao dịch 24/2 đỏ lửa trên thị trường chứng khoán Mỹ. Đáng nói là trong đó bao gồm cả những doanh nghiệp ít làm ăn tại thị trường Đại lục như Google hay Facebook.
Chuyên gia kinh tế các thị trường mới nổi, ông Robert Gilhooly từ Aberdeen Standard Investments nhận định: “Cú sốc từ sự bùng phát dịch virus corona đối với nền kinh tế Trung Quốc và hiệu ứng lan tỏa của nó lớn hơn nhiều so với dự kiến”.