Tam giác kinh tế Trung - Nhật - Hàn lao đao vì làn sóng dịch virus corona lan rộng
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp tới 24% quy mô nền kinh tế toàn cầu với khối lượng giao dịch thương mại hàng năm lên tới hơn 720 tỷ USD, một trong những khối kinh tế quốc tế quan trọng bậc nhất thế giới. Nhưng các quốc gia này cũng là 3 trong số những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự bùng phát dịch virus corona.
Tính đến sáng 28/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo 78.824 ca nhiễm virus corona và 2.788 ca tử vong.
Còn tại Hàn Quốc, số ca nhiễm virus corona tăng 256 trường hợp lên 2.022 trường hợp, với tâm chấn dịch bệnh nằm ở Daegu - thành phố lớn thứ 4 Hàn Quốc.
Nhật Bản cũng xác nhận hơn 180 ca nhiễm virus corona trong nước cùng 700 ca nhiễm virus corona trên du thuyền Diamond Princess, trong đó có 1 ca bệnh tái nhiễm virus corona sau khi phục hồi làm gia tăng quan ngại về nguy cơ tái nhiễm và lây lan virus corona trong cộng đồng.
Dịch virus corona không chỉ làm giảm mạnh các chuyến bay và lượng khách du lịch giữa ba quốc gia, mà còn phá vỡ chuỗi cung ứng công nghiệp tích hợp, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử và ô tô vốn có mối liên hệ mật thiết giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Song Xuetao, một nhà kinh tế học tại Tianfeng Securities cho biết nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng hay bùng phát tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nó sẽ là đòn giáng nặng nề thứ hai vào chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. Đòn giáng thứ nhất đến từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại các công ty hạ nguồn Trung Quốc khi dịch virus corona càn quét nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước đó.
Theo một nghiên cứu của Everbright Securities, Bắc Kinh trong những năm qua đã cố gắng thúc đẩy kim ngạch thương mại - đầu tư với Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung đối diện nguy cơ phân cực vì thương chiến. Hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc là những đối tác thương mại lớn bậc nhất của Trung Quốc, đặc biệt là về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Cụ thể, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trong năm 2019, xếp sau Liên minh Châu Âu, các nước Đông Nam Á ASEAN và Mỹ. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương trong năm đạt tới 315,03 tỷ USD.
Còn Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt 284,58 tỷ USD, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều nằm trong top 5 các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc năm 2019, dẫn đầu là các sản phẩm linh kiện điện tử, hóa chất… đóng vai trò quan trọng cho ngành sản xuất khổng lồ của Trung Quốc.
Tam giác kinh tế Trung - Nhật - Hàn lao đao, kinh tế toàn cầu cũng chịu dư chấn
Các nhà phân tích từ Guotai Junan Securities, đứng đầu là nhà kinh tế học Hua Changchun hồi đầu tuần nhận định chuỗi cung ứng các ngành sản xuất ô tô, máy móc, thiết bị điện tử quang học và hóa chất có thể gặp cú sốc ngắn hạn nếu dịch bệnh bùng phát ở Nhật Bản. “Việc Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu linh kiện bán dẫn, robot công nghiệp, máy động cơ, máy ảnh và hàng hóa linh kiện khác từ Nhật Bản chính là yếu tố tiềm ẩn rủi ro… Trong bối cảnh dịch bệnh tại nhiều địa phương Trung Quốc vẫn đang diễn biến phức tạp và số ca nhiễm tại Nhật Bản cũng tăng lên, một số ngành công nghiệp phải đối mặt với rủi ro kép”.
Theo một khảo sát tuần trước của TSR, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Tokyo, 66,4% trong số 12.348 công ty Nhật Bản được khảo sát cho biết chịu tác động từ dịch virus corona. Lĩnh vực sản xuất là một trong những lĩnh vực gánh chịu tác động tồi tệ nhất, với khoảng 51,7% doanh nghiệp dự kiến sẽ thua lỗ vì thiệt hại do dịch virus corona.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà chế tạo máy công cụ Nhật Bản, các đơn đặt hàng máy công cụ đã giảm 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tháng giảm thứ 16 liên tiếp đồng thời là mức giảm hàng tháng tệ nhất trong 7 năm.
Các nhà phân tích từ China International Capital Corporation, một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu Trung Quốc thì ước tính nếu dịch virus corona lan rộng tại Hàn Quốc, nhiều công ty sẽ buộc phải đóng cửa hoặc trì trệ sản xuất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các ngành điện tử, thép, ô tô, đóng tàu và thiết bị điện..
Cuối tuần trước, Samsung Electronics đã buộc phải đóng cửa một nhà máy sản xuất smartphone ở Hàn Quốc trong vài ngày sau khi một nhân viên bị nhiễm virus corona. LG Electronics cũng tạm thời đóng cửa một tổ hợp nghiên cứu hôm thứ Hai sau khi xác nhận người nhà một nhân viên bị nhiễm bệnh.
Công ty dữ liệu vận tải đường biển Alphaliner cho biết, việc đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc và Hàn Quốc đang dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong các luồng logistics, khi 46% các chuyến hàng theo lịch trình giữa châu Á và Bắc Âu đã bị hủy bỏ kể từ đầu vụ dịch. “Dòng chảy của các mặt hàng thiết yếu bị gián đoạn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gây ra một cú sốc trong chuỗi cung ứng châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, sản xuất và xuất khẩu tại Châu Á giảm cũng đồng nghĩa với việc tái xuất nội địa châu Âu giảm theo” - Timme Spakman, một nhà kinh tế tại ING nhận định.
Tuy vậy, một số nhà phân tích Trung Quốc vẫn lạc quan rằng sự gián đoạn sản xuất ở Nhật Bản và Hàn Quốc có thể trở thành cơ hội cho các nhà sản xuất linh kiện nội địa Trung Quốc khi nhu cầu tìm kiếm sản phẩm thay thế, nhà cung cấp thay thế trong các lĩnh vực như phụ tùng ô tô, linh kiện bán dẫn, máy móc thiết bị… tăng lên.