Điểm mặt loạt cựu quan chức bị lãnh án và bị khởi tố năm 2021

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 31/12/2021 19:00 PM (GMT+7)
Trong năm 2021, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được khởi tố, truy tố, xét xử, trong đó có không ít bị cáo từng là các quan chức.
Bình luận 0

Cựu Chủ tịch Hà Nội lần thứ 3 hầu toà

Chiều nay (31/12), đã kết thúc phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung (Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) và các đồng phạm trong vụ giúp Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu trái quy định.

Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Điểm mặt loạt quan chức "ngã ngựa" năm 2021 - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Ảnh: P.H

Tính đến thời điểm hiện tại, cựu Chủ tịch Hà Nội đã 3 lần bị truy tố và tuyên án trong 3 vụ các tội danh khác nhau. Trung tuần tháng 12/2021, ông Chung bị tòa tuyên phạt 8 năm tù trong vụ mua chế phẩm Redoxy – 3C.

Trước đó, bị cáo này phải nhận 5 năm tù vì tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước". Tổng cộng 3 tội danh, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lĩnh 16 năm tù.

2 Cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lần lượt lĩnh án

Điểm mặt loạt quan chức "ngã ngựa" năm 2021 - Ảnh 2.

2 cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến (trái) và Nguyễn Thành Tài. Ảnh: TL

Chiều 18/12, TAND TP.HCM tuyên ông Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó Chủ tịch UBNDTP.HCM và Trần Trọng Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng mỗi người 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự; Nguyên tổng giám Sagri Lê Tấn Hùng 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý nhà nước; 14 năm tù về tội Tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 25 năm tù.

Trước đó, ngày 2/12, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án vụ giao đất, cho thuê "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn (quận 1) trái luật. Ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) y án 8 năm tù, 5 năm tù đối với bà Lê Thị Thanh Thúy (chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm).

Ông Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường) y án 5 năm tù, ông Trương Văn Út (cựu phó phòng quản lý đất Sở Tài nguyên - môi trường) 3 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó là 8 năm tù.

2 Cựu phó Chủ tịch UBND TP.HCM đều bị cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy gây thiệt hại hơn ngàn tỷ đồng

Điểm mặt loạt quan chức "ngã ngựa" năm 2021 - Ảnh 3.

Cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bị cáo buộc gây thiệt hại hơn ngàn tỉ đồng trong vụ án bán rẻ "43ha đất vàng". Ảnh: TL

Ngày 27/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật hình sự 2015.

Vào năm 2012, ông Nam vẫn ký ban hành công văn chấp thuận giá đất dịch vụ tại khu liên hợp là hơn 51.000 đồng/m2 để Cục Thuế tính tiền sử dụng đất đối với khu 43ha và 145ha được giao cho Tổng công ty 3-2. Theo Cơ quan điều tra, đây là mức giá đất bình quân được UBND tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 2006.

Cơ quan điều tra cáo buộc hành vi của cựu Bí thư Trần Văn Nam trái quy định pháp luật, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn ngàn tỷ đồng.

Đầu tháng 7/2021, ông Trần Văn Nam đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ: 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế tiếp tay thuốc giả

Điểm mặt loạt quan chức "ngã ngựa" năm 2021 - Ảnh 4.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: TL

Ngày 4/11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Lệnh bắt tạm giam được cơ quan tố tụng đưa ra ngày 10/12, sau hơn 1 tháng Cơ quan an ninh điều tra khởi tố bị can đối với ông Cường.

Theo kết luận điều tra, hồ sơ xin cấp số đăng ký 2 loại thuốc H2K H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin (thuốc kháng sinh) mang nhãn mác Health 2000 không đảm bảo hồ sơ pháp lý nhưng thuộc cấp của ông Cường đã tự ý thẩm định lại hồ sơ, đề nghị cấp số đăng ký thuốc không đúng quy định. Từ đây, hai loại thuốc được VN Pharma sử dụng số đăng ký để nhập khẩu.

Cơ quan điều tra đánh giá, ông Cường có một số chỉ đạo nhưng lại không kịp thời đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc. Từ đó, 4 trong 7 loại thuốc kháng sinh mang nhãn mác Health 2000 (tổng giá trị trên 3,7 tỷ đồng) tiếp tục được sử dụng trong điều trị.

Ông Cường với vai trò là cục trưởng kiêm phó chủ tịch thường trực hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về mọi hoạt động sai phạm. Ông có dấu hiệu chưa làm hết trách nhiệm với vai trò người đứng đầu, "gây thiệt hại hơn 50,6 tỷ đồng".

Bác sĩ đầu ngành vướng lao lý

Điểm mặt loạt quan chức "ngã ngựa" năm 2021 - Ảnh 5.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: TL

Ngày 19/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành các thủ tục tố tụng, gồm: Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Chủ tịch Hội đồng mua sắm, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Ngày 10/12, ông Tuấn bị Cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra những sai phạm liên quan đến việc nâng giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Theo Cơ quan điều tra, ông Tuấn và các đồng phạm đã có hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội, làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản hơn 40 tỷ đồng cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

2 tướng Cảnh sát biển bị khởi tố, bắt tạm giam.

Điểm mặt loạt cựu quan chức bị lãnh án và bị khởi tố năm 2021 - Ảnh 8.

Thiếu tướng Lê Văn Minh và Thiếu tướng Lê Xuân Thanh đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: TL

Ngày 1/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số cá nhân.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh.

Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, với cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cảnh sát biển, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã vi phạm pháp luật trong việc ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Thiếu tướng Lê Văn Minh, với cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cảnh sát biển, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã vi phạm pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hồ sơ xử lý các vụ việc, thuê phương tiện và đề nghị thanh toán, rút tiền từ ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

"Người hùng chống hàng giả" hết nói đạo lý

Điểm mặt loạt quan chức "ngã ngựa" năm 2021 - Ảnh 7.

Ông Trần Hùng, cựu cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tổ trưởng tổ 1444 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) bị cáo buộc 'bảo kê' đường dây 3,2 triệu quyển sách giả. Ảnh: Dân Việt

Ngày 17/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ 1444 Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).

Ông Trần Hùng bị cáo buộc liên quan đến vụ sản xuất sách giáo khoa giả của bị can Cao Thị Minh Thuận. Các cơ quan tố tụng xác định, lực lượng Quản lý thị trường do ông Trần Hùng chỉ đạo đã phát hiện số lượng lớn sách giáo khoa giả tại Hà Nội nhưng chỉ xử lý hành chính thay vì chuyển cơ quan điều tra.

Trước khi giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ công tác 1444, ông Trần Hùng từng giữ nhiều chức vụ khác như Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389); Phó cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương).

Ông Hùng từng được biết đến với những phát ngôn "dậy sóng" trong công tác chống hàng giả, thể hiện là cán bộ kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực quản lý thị trường, với hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả và gian lận thương mại.

Giám đốc CDC Hải Dương nhận "lại quả" giá kit xét nghiệm

Điểm mặt loạt quan chức "ngã ngựa" năm 2021 - Ảnh 8.

Ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương (trái) và ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Ảnh: CACC

Ngày 17/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Cùng với đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với 7 người gồm: Phan Quốc Việt (SN 1980, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến (SN 1965; Giám đốc CDC Hải Dương).

Bước đầu Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GD-ĐT thông đồng "lũng đoạn" đấu thầu

Điểm mặt loạt quan chức "ngã ngựa" năm 2021 - Ảnh 9.

Bộ Công an liên tiếp khởi tố các vụ án vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá, Điện Biên trong năm 2021. Ảnh: TL

Ngày 23/9, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên và 5 cán bộ có liên quan về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cơ quan CSĐT cáo buộc ông Kiên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE, Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Kiên không phải là Giám đốc Sở GD&ĐT tạo đầu tiên bị bắt trong năm nay do thông thầu.

Ngày 16/7, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.

Bà Phạm Thị Hằng khi còn Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của nhiều gối thầu có trị giá nhiều chục tỷ đồng.

Sau khi các trang thiết bị này được trang bị cho các trường học thì chỉ trong một thời gian ngắn đã hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

Trước đó, ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can trong đó có Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem