Điểm sáng tiêu dùng - bán lẻ trong bức tranh kinh tế 2022

PV Thứ sáu, ngày 30/12/2022 17:55 PM (GMT+7)
Sau giai đoạn tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng.
Bình luận 0

Giới quan sát nhận định các thách thức cho kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, khi các thị trường đối tác của Việt Nam đa số gặp khó khăn. Đại dịch COVID-19, cuộc chiến ở Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến nhiều nền kinh tế lớn lao đao, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Báo cáo do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương. Theo đó nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% vào năm sau. Đối với Việt Nam, ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay lên 7,5%, trong khi lạm phát 2022 được điều chỉnh xuống còn 3,5%.

Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng chững lại, tiêu dùng nổi lên là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Ông Jonathan Pincus - Cố vấn kinh tế cao cấp, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhận định: "Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á đang cho thấy sức sản xuất trong nước ổn định trong bối cảnh biến động toàn cầu".

Ông Danny Le – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan lên nhận Chủ trương đầu tư dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây

Ông Danny Le – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan lên nhận Chủ trương đầu tư dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây

Các công ty tiêu dùng và bán lẻ như Masan, Vinamilk, Sabeco, Bibica, Thế Giới Di Động, PNJ… đã cho thấy sự thích nghi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đặc biệt, trong năm 2022, trong khi nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô, Masan đã mở rộng chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+. Song song đó, tập đoàn này còn liên tục đầu tư vào cơ sở sản xuất, ra mắt các sản phẩm mới, đi trước đón đầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Ở mảng bán lẻ, vào tháng 8/2022, Masan đã ra mắt chuỗi cửa hàng WIN tích hợp nhiều dịch vụ thiết yếu như siêu thị mini (WinMart+), chuỗi F&B (Phúc Long), chăm sóc sức khỏe (Dr Win), dịch vụ viễn thông (Wintel), thanh toán 1 chạm (Techcombank). Các cửa hàng này được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, mang đến không gian cửa hàng hiện đại và bắt mắt. Từ con số 27 cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đến tháng 12/2022 chuỗi WIN đã có 100 cửa hàng, đặt chân đến 5 thành phố mới là Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, hướng tới mục tiêu đạt hơn 500 cửa hàng trong năm 2023. Tính đến tháng 12/2022, WIN đã thu hút hơn 700.000 khách hàng thành viên chỉ sau 4 tháng ra mắt.

Ở mảng sản xuất, các thương hiệu FMCG của Masan được người tiêu dùng lựa chọn hàng đầu. Theo báo cáo Brand Footprint 2022 của Kantar Worldpanel, Masan Consumer cùng với Vinamilk, Unilever giữ 3 vị trí đầu bảng trong những nhà sản xuất ngành hàng FMCG ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Trong đó, Masan Consumer vươn lên vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng ở nông thôn.

Chin-su, Nam Ngư là các thương hiệu hàng tiêu dùng được người Việt Nam ưa chuộng

Chin-su, Nam Ngư là các thương hiệu hàng tiêu dùng được người Việt Nam ưa chuộng

Nam Ngư đã duy trì thành công ngôi vị thương hiệu thực phẩm đóng gói được chọn mua nhiều nhất tại thành thị và nông thôn. Thương hiệu này vẫn đang tiếp tục gia tăng mức tăng trưởng CRP (Customer Reach Point - điểm tiếp cận người tiêu dùng), và giữ khoảng cách an toàn với các thương hiệu FMCG khác trong bảng xếp hạng nông thôn.

Một thương hiệu khác của Masan là Chin-su đã đánh dấu một năm ấn tượng khi không chỉ tăng trưởng mức CRP lên 9% ở thành thị, mà còn tăng lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng nông thôn. Thương hiệu này đã hoàn thành tốt việc mở rộng danh mục sản phẩm của mình, nắm bắt xu hướng dùng bữa tại nhà của người dân kể từ đợt giãn cách xã hội vào năm 2021.

Để đảm bảo hương vị đặc trưng của từng món ăn phổ biến với người Việt, đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Chin-su đã nghiên cứu các điểm chung và riêng trong khẩu vị của người tiêu dùng từng vùng miền và mang đến bộ bữa sáng đa dạng về hương vị. Một tuần có 7 ngày, thì Chin-su có 7 món mang đến trải nghiệm mới cho bữa sáng của cả gia đình. Ngoài phở bò, bộ bữa sáng còn có nhiều món nước đặc trưng khác được đông đảo người Việt Nam ưa chuộng như phở gà, miến gà, hủ tiếu bò kho, miến sườn…

Nền tảng cho năng lực ra mắt sản phẩm mới và đa dạng của Masan chính là chuỗi sản xuất với hơn 30 nhà máy và chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ với hơn 3.400 điểm bán. Khi phân phối trực tiếp hàng hóa đến tay người tiêu dùng hàng ngày, Masan có thể nhanh chóng tiếp nhận phản ứng của khách hàng và gia tăng năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới.

Không chỉ mở rộng hệ thống bán lẻ, Masan còn liên tục đầu tư vào cơ sở sản xuất. Ngày 16/7, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, tập đoàn này đã nhận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2 tại Khu công nghiệp Nam Sông Hậu. Dự án có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng trên diện tích 46 ha.

Đây là bước tiến quan trọng giúp Masan xây dựng trung tâm sản xuất và phân phối, đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống…, chủ yếu phục vụ thị trường các tỉnh miền Tây Nam Bộ và vùng phụ cận. Dự án gồm có nhà máy sản xuất thực phẩm, với diện tích khoảng 20,9 ha; nhà máy sản xuất bia đóng lon, đóng chai, bia hơi các loại, với diện tích khoảng 7,82 ha, công suất 100 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh, với diện tích khoảng 8,95 ha, công suất 400.000 tấn/năm; kho bãi, nhà xưởng cho thuê, với diện tích khoảng 8,33 ha.

Là tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu, bên cạnh hoạt động kinh doanh, Masan luôn dành một phần ngân sách để phát triển cộng đồng. Từ năm 2021 đến nay, Masan đã đóng góp hơn 500 tỷ đồng vào các hoạt động hỗ trợ người dân và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 cũng như thực hiện nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội. Gần đây nhất, Masan đã tài trợ kinh phí mổ mắt cho 1.000 người dân tại 2 tỉnh Bình Thuận và Kiên Giang và đóng góp 5 tỷ đồng vào Quỹ "Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu tổ quốc".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem