Điểm tên những "ông lớn" có doanh thu khủng từ bảo hiểm xe cơ giới
Doanh thu khủng từ bảo hiểm xe cơ giới
Hiện nay, trên thị trường có nhiều công ty Bảo hiểm cung cấp bảo hiểm xe cơ giới cho người dân, trong đó có thể kể đến một vài cái tên như: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI), Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI), Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không (AIC), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (PVI), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Pjico (PJICO).
Theo thống kê của Etime cho thấy, hiện nay bảo hiểm xe cơ giới đang đóng góp một phần lớn trong tổng doanh thu các công ty bảo hiểm nói trên.
Đơn cử, báo cáo tài chính đã soát xét 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm gốc cho loại hình bảo hiểm xe cơ giới đạt 859,5, giảm đồng, giảm 28,7% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Ở chiều ngược lại, PTI đã chi bồi thường bảo hiểm gốc cho loại hình xe cơ giới là 482,7 tỷ đồng, tương ứng 56% doanh thu mang về.
Tại Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không (AIC), với 891,5 đồng, phí bảo hiểm xe cơ giới, chiếm đến 64,4% tổng doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 (1.385 tỷ đồng), tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, AIC cũng đã chi 390 tỷ đồng (khoảng 43,7% doanh thu) bồi thường cho bảo hiểm xe cơ giới.
Tương tự, loại hình bảo hiểm xe cơ giới đưa về cho Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) 483 tỷ đồng trong nửa bán niên 2022, tăng 10,5% so với cùng kỳ và góp khoảng 17,3% trong tổng số 2.779 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm công ty đưa về trong kỳ. Thuyết minh báo cáo tài chính đã soát xét của BIC cũng cho biết, với 483 đồng doanh thu từ bảo hiểm xe cơ giới, doanh nghiệp đã chi 206 tỷ đồng (42,6% doanh thu) cho chi phí bồi thường bảo hiểm xe cơ giới.
Đối với Bảo hiểm Quân đội (MIC), 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới đạt 890 tỷ đồng, góp 35% vào tổng doanh thu phí bảo hiểm MIC trong kỳ. Phía MIC thông tin, đã dành 471 đồng chi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới, tương ứng 53% doanh thu cho loại hình này.
Bảo hiểm xe cơ giới: mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận hấp dẫn
Theo quy định hiện nay, bảo hiểm xe cơ giới là loại hình bảo hiểm dành cho xe ôtô, xe máy, xe tải và các phương tiện giao thông đường bộ khác. Mục đích của bảo hiểm là bảo vệ kinh tế tránh thiệt hại về tài sản hoặc thương tật do tai nạn giao thông gây ra, không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu xe xảy ra tai nạn.
Như vậy, số tiền chi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới sẽ bao gồm cả bồi thường cho cả ôtô và xe máy. Tuy nhiên, qua thống kê có thể thấy, nếu tính một cách cơ học, đa số các doanh nghiệp bảo hiểm sau khi trừ đi chi phí bồi thường đều thu về lợi nhuận rất lớn, khoảng 50% từ bảo hiểm xe cơ giới. Đương nhiên đây là phép tính cơ học và con số này chưa chính thức khi chưa giảm trừ theo các chi phí khác như hoa hồng... đi kèm.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến cuối tháng 6/2024, bảo hiểm xe cơ giới với doanh thu đạt 8.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,9% tổng doanh thu toàn thị trường. Trong đó, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (CCLI) của chủ xe cơ giới đạt 2.264 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,8% và tăng 2,9%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 6.667 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,1% và tăng 0,7%.
Bồi thường bảo hiểm xe cơ giới vẫn được coi là "quả bom hẹn giờ", có khả năng gây trở ngại cho mục tiêu kiểm soát chi phí bồi thường của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đua thúc đẩy tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới đang dần trở lại. Trên thực tế, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận hấp dẫn và có thể dễ dàng gia tăng doanh thu cho các công ty bảo hiểm đang cần mở rộng thị phần. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất.
Trong năm 2023, doanh thu từ bảo hiểm xe cơ giới của toàn thị trường ước tính đạt 17.754 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm 2022, nhưng tỷ lệ bồi thường lại lên tới 52,5%. Ngoại trừ năm 2020, khi tỷ lệ bồi thường giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ bồi thường trong mảng này luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng lên.
Các chuyên gia trong ngành nhận định rằng việc tìm kiếm lợi nhuận từ bảo hiểm xe cơ giới là thách thức lớn. Nhận thức về an toàn giao thông của người dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, cùng với số lượng phương tiện ngày càng tăng, làm gia tăng rủi ro về an toàn. Bên cạnh đó, tình trạng trục lợi bảo hiểm vẫn phổ biến, góp phần khiến tỷ lệ bồi thường luôn ở mức cao. Mặc dù vậy, nghiệp vụ này lại dễ triển khai và thường được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn trong chiến lược mở rộng thị phần.