dd/mm/yyyy

Điện Biên: Vận hành tối đa các hồ chứa, đảm bảo nước tưới cho cây trồng

Theo Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên, đơn vị hiện đang quản lý, vận hành 13 hồ chứa nước. Đến thời điểm này, do tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài, mực nước tại các hồ chứa của tỉnh Điện Biên xuống thấp; thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,37-10,25m.

Các hồ chứa nước tại Điện Biên xuống thấp kỷ lục

Mực nước trên các hồ: Bản Ban thấp hơn 6m so với cùng kỳ năm 2022; Na Hươm thấp hơn 5,2m; Pe Luông thấp hơn 3,2m; Pa Khoang thấp hơn 1,44m; Huổi Phạ thấp hơn 1,53m; Hồng Khếnh thấp hơn 2,33m; Sông Ún thấp hơn 2,51m; Bồ Hóng thấp hơn 0,93m và Loọng Luông có mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 ít nhất là 0,28m. Các hồ mực nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước là: Sái Lương (cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 1,82m), Nậm Ngam (cao hơn 2,79m), Hồng Sạt (cao hơn 1,21m) và Nậm Khẩu Hu (cao hơn 1,3m).

Thời điểm này, mực nước ở các hồ chứa xuống thấp hơn so với cùng kỳ nhưng chưa gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên đã chủ động phối hợp và thống nhất với các nhà máy thủy điện có kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất cho vụ tiếp theo cũng như sinh hoạt trên tinh thần đảm bảo hài hòa giữa hai mục tiêu cấp nước và phát điện.

Điện Biên: Vận hành tối đa các hồ chứa, đảm bảo nước tưới cho cây trồng - Ảnh 1.

Mực nước tại hồ Pá Khoang (Điện Biên) xuống thấp hơn so với trung bình hàng năm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân 2022 - 2023 toàn tỉnh gieo trồng hơn 9.885ha lúa, gần 6.400ha sắn, gần 5.200ha ngô, gần 330ha lạc xuân hè... hàng chục nghìn héc ta cây ăn quả, cây công nghiệp và các loại rau màu các loại. Để hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiếu nước gây ra. Ngành Nông nghiệp Điện Biên yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông, thủy lợi cơ sở trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi diễn biến, cập nhật mực nước tại các khe, suối. Xây dựng kế hoạch tưới tiết kiệm, luân phiên, tập trung nguồn nước đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. 

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm. Ưu tiên nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; có các biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới. Vận động nhân dân, tổ quản lý cộng đồng thực hiện các biện pháp khơi thông dòng chảy, kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi phá hoại hệ thống công trình thủy lợi, công trình tưới phục vụ sản xuất. Phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi, hồ chứa trên địa bàn tiếp tục nâng cấp, sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng. Lắp đặt hệ thống bơm tăng cường (nếu cần), tưới nước tiết kiệm, luân phiên đảm bảo đủ nước cho lúa đông xuân cuối vụ, tưới ẩm cho các cây trồng khác và tích đủ nước cho việc làm đất, gieo trồng vụ mùa 2023.

Vận hành hồ chứa an toàn, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp

Cùng với đó, công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng; sử dụng, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi được tăng cường. Hiện nay toàn tỉnh có gần 1.000 công trình thủy lợi, gồm: 15 hồ chứa, 5 trạm bơm, hơn 700 công trình lấy nước đập dâng và 250 phai tạm. Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi bao gồm: Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên, Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi Điện Biên và UBND các huyện, thị xã, thành phố. 

Điện Biên: Vận hành tối đa các hồ chứa, đảm bảo nước tưới cho cây trồng - Ảnh 2.

Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên đang quản lý, vận hành 34 công trình thủy lợi, gồm 13 hồ chứa trên địa bàn tỉnh, phục vụ diện tích tưới hơn 11.000ha.

Để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị trên địa bàn quản lý khai thác tốt các công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn để vận hành tích nước các hồ chứa phù hợp; kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tưới tiết kiệm.

Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên đang quản lý, vận hành 34 công trình thủy lợi, gồm 13 hồ chứa trên địa bàn tỉnh, phục vụ diện tích tưới hơn 11.000ha. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Công ty căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn, kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước của từng công trình với nhu cầu sử dụng nước của nông dân để chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tưới, phòng chống hạn hán.

 Đồng thời, thường xuyên tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh. Đối với các hồ nhỏ thiếu nước, công ty đang sử dụng hệ thống máy bơm bơm nước từ lòng hồ vào hệ thống kênh dẫn để tưới cho đồng ruộng. Đồng thời, công ty cũng chuẩn bị hệ thống máy bơm; rà soát, khảo sát các vị trí đặt máy bơm khi tình hình khô hạn xảy ra.

Vinh Duy