Định giá ByteDance tăng vọt, Huawei không đổi dù Bắc Kinh siết lĩnh vực công nghệ
Viện Nghiên cứu Hurun ở Thượng Hải cho biết định giá của 500 công ty khu vực tư nhân hàng đầu thế giới (Hurun Global 500) đã tăng 17% lên 58 nghìn tỷ USD trong thời gian từ 1/12/2020 đến 15/7/2021. Trong đó, 248 công ty đã ghi nhận giá trị thị trường tăng nhanh.
Dù chưa niêm yết công khai như ByteDance, công ty mẹ của TikTok được đánh giá là doanh nghiệp có mức định giá tăng cao thứ hai trong bảng xếp hạng Hurun Global 500, với mức định giá tăng 168% lên 280 tỷ USD, chỉ sau tập đoàn đầu tư Mỹ Blackstone Group nếu tính theo tỷ lệ phần trăm.
4 công ty Trung Quốc cũng ghi nhận mức định giá tăng vọt trong top 10 do giá cổ phiếu tăng là nhà sản xuất pin xe điện Contemporary Amperex Technology Ltd. (CATL), nhà sản xuất vật liệu bảng điều khiển năng lượng mặt trời Longi Green Energy Technology, công ty dịch vụ công nghệ WuXi AppTec và công ty dược phẩm WuXi Biologics.
Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun cho biết: “Tôi nghĩ điểm chung của các công ty này là lấy sự phụ thuộc vào công nghệ làm giá trị cốt lõi, điều mà các công ty khác có thể ít thấy hơn”.
Đối với các công ty đã niêm yết, Hurun tính toán xếp hạng dựa trên mức tăng vốn hóa thị trường. Với các công ty chưa niêm yết như ByteDance, Hurun sẽ so sánh giá trị với các công ty cùng ngành đã niêm yết hoặc xem xét các vòng huy động vốn gần nhất của doanh nghiệp.
ByteDance, công ty đã huy động được khoảng 5 tỷ USD vào tháng 12 năm ngoái được định giá ở mức 180 tỷ USD vào thời điểm đó. Một nguồn tin của The Financial Times cho hay ByteDance đang xem xét kế hoạch niêm yết công khai (IPO) tại Hong Kong, sớm nhất vào quý IV năm nay. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của ByteDance đã phủ nhận thông tin này trong cuộc trò chuyện với Nikkei Asian Review.
Năm ngoái, ByteDance báo cáo doanh thu tăng hơn gấp đôi lên 34 tỷ USD trong bối cảnh ứng dụng TikTok phát triển mạnh trên toàn cầu với lượt download đứng đầu hành tinh, vượt qua của 4 ứng dụng từ ông lớn mạng xã hội Facebook.
Về phía Huawei, Hurun cho hay định giá của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 165 tỷ USD trong 7 tháng qua ngay cả khi doanh số bán smartphone tại nhiều thị trường phương Tây sụt giảm mạnh do lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Hoogewerf cho biết các đánh giá phản ánh hiệu quả hoạt động của Huawei trong năm 2020 khi lợi nhuận ròng của hãng tăng 3,2%.
Theo một báo cáo gần đây của Nikkei Asian Review, Huawei đã và đang săn lùng vô số nhân tài, từ những kỹ sư chip ở Munich, nhà phát triển phần mềm ở Istanbul cho đến chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Canada. Đó là chưa kể tới đội ngũ nhân tài hùng hậu hiện tại ở các cơ sở trong và ngoài nước của hãng. Với việc tăng cường tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, có thể thấy Huawei đang quyết tâm tìm ra một con đường mới để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh tập đoàn này bị cuốn vào căng thẳng địa chính trị leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trái ngược với sự tăng mạnh giá trị của ByteDance, Alibaba và công ty con Ant Group đều lọt top những công ty có định giá giảm nhiều nhất trong Hurun Global 500. Theo Hurun, giá trị thị trường Alibaba Group Holding đã bốc hơi 126 tỷ USD trong 7 tháng qua sau khi lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh và phải nộp khoản tiền phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD do hành vi độc quyền. Ant Group cũng được định giá tụt 28% xuống còn 150 tỷ USD trong 7 tháng qua sau khi bị các cơ quan quản lý Trung Quốc buộc hủy thương vụ IPO trị giá 44 tỷ USD.
Các nền tảng internet khác của Trung Quốc là KE Holdings, Tencent Holdings và Pinduoduo cũng nằm trong top dẫn đầu về tổn thất giá trị do hàng loạt động thái siết chặt lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.