Nhìn lại tháng 7 lận đận của Tencent: cổ phiếu tụt 20%, mất 170 tỷ USD vốn hóa, điển hình "cây to đón gió lớn"

08/08/2021 16:10 GMT+7
Khi các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục chiến dịch siết chặt quản lý lĩnh vực công nghệ, Tencent trở thành mục tiêu tiếp theo trong tầm ngắm sau Alibaba.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc thời gian qua tuyên bố sẽ tập trung vào hoạt động chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ và bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng bằng chiến dịch siết chặt quy định pháp lý. Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng động cơ thực đằng sau là giữ cho các ông lớn công nghệ nằm trong tầm kiểm soát của Bắc Kinh.

Sau Alibaba, đến lượt Tencent của tỷ phú Pony Ma lọt vào tầm ngắm của giới chức Bắc Kinh. Hôm 27/7, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc WeChat của Tencent tuyên bố tạm ngừng chấp nhận đăng ký người dùng mới để tăng cường hệ thống bảo mật thông tin theo yêu cầu của các cơ quan quản lý. Tuyên bố được công khai ngay sau khi Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) phạt Tencent khoản tiền 500.000 nhân dân tệ do vi phạm quy chế độc quyền, đồng thời cấm gã khổng lồ công nghệ này tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc. Theo SAMR, Tencent hiện nắm giữ hơn 80% tài nguyên thư viện âm nhạc độc quyền trong nước sau thương vụ sáp nhập nói trên. Điều này đang hạn chế sự gia nhập của các công ty khác vào thị trường âm nhạc trực tuyến nội địa. 

Việc siết chặt quản lý Tencent là động thái mới nhất trong nỗ lực áp dụng nghiêm ngặt luật chống độc quyền và quản lý dữ liệu người dùng của chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua.

Nhìn lại tháng 7 lận đận của Tencent: cổ phiếu tụt 20%, mất 170 tỷ USD vốn hóa, điển hình "cây to đón gió lớn" - Ảnh 1.

Tencent mất 170 tỷ USD vốn hóa trong tháng 7 do loạt động thái siết chặt quy định của Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)

Tencent từng lọt top 10 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới với vốn hóa suýt chạm ngưỡng nghìn tỷ USD vào đầu năm nay. Nhưng chiến dịch siết chặt của Bắc Kinh đã khiến cổ phiếu công ty này liên tục lao dốc trong thời gian qua. Chỉ trong tháng 7, cổ phiếu Tencent đã bốc hơi 20%, qua đó thổi bay 170 tỷ USD giá trị thị trường doanh nghiệp. Đáng chú ý, nhiều nhà phân tích cho rằng hệ sinh thái khổng lồ của Tencent chính là nguyên nhân khiến tập đoàn này rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh. 

Tencent được coi là “siêu ứng dụng” đầu tiên trên thế giới - tức một ứng dụng cho phép người dùng truy cập đa dạng tiện ích dịch vụ internet: từ game trực tuyến, thương mại điện tử, giao đồ ăn, đặt xe, mua vé sự kiện cho đến nhắn tin, nghe nhạc, thanh toán di động… 

Với hơn 1,2 tỷ người dùng, WeChat của Tencent hiện là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới. WeChat Pay, ứng dụng thanh toán đi liền với WeChat là một trong hai nền tảng thanh toán trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, xử lý khoảng 40% giao dịch thanh toán di động hàng ngày tại quốc gia này.

Tencent cũng nỗ lực mở rộng phạm vi kinh doanh bằng cách mua lại hàng loạt nhà phát triển ứng dụng mới nổi hoặc mua cổ phần của các dự án khởi nghiệp công nghệ tiềm năng tại Trung Quốc. 

Tham vọng của Tencent cũng không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa. Cho đến nay, Tencent đã tiếp quản hoặc xây dựng quan hệ hợp tác vốn với hàng loạt công ty nước ngoài trong nhiều lĩnh vực từ trò chơi, âm nhạc, phim ảnh… Chiến dịch bành trướng ra toàn cầu bắt đầu bằng việc mua lại Riot Games, một công ty Mỹ nổi tiếng với tựa game League of Legends (Liên minh huyền thoại) có lượng người chơi cao chót vót. Nhìn chung, chiến lược kinh doanh của gã khổng lồ công nghệ này là thu hút người dùng sử dụng ứng dụng nhắn tin WeChat, từ đó mở rộng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác. 

Minoru Nogimori, Nhà kinh tế cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định: “Hai công ty (Alibaba và Tencent) đã phát triển những hệ sinh thái khổng lồ đến mức có thể vượt ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc”.

Hoạt động kinh doanh tài chính của Alibaba thông qua công ty con Ant Group đe dọa sẽ thu hút khách hàng và các quỹ rút tiền khỏi các ngân hàng truyền thống và công ty bảo hiểm quốc doanh. Trong khi đó, mảng kinh doanh nội dung của Tencent đang ngày càng chứng minh tầm ảnh hưởng lớn hơn cả các phương tiện truyền thông được quản lý bởi Nhà nước Trung Quốc.

Nhưng chính phủ Bắc Kinh có vẻ không có ý định dồn Tencent và Alibaba vào cửa tử. Bằng chứng là ngày 19/7, Tencent đã tuyên bố kế hoạch mua lại nhà phát triển trò chơi điện tử Sumo Group của Anh với giá 1,27 triệu USD. Không có dấu hiệu nào cho thấy các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ ngăn chặn thương vụ này. 

Ông Minoru Nogimori nhận định, chính phủ Trung Quốc có vẻ “chỉ muốn các ông lớn công nghệ mở rộng hoạt động trong phạm vi kiểm soát của các cơ quan quản lý”.


NTTD
Cùng chuyên mục