DN Trung Quốc bị chặn đường sống ở Ấn Độ: vì sao ông Tập nhượng bộ, không "ăn miếng trả miếng"?

03/07/2020 10:00 GMT+7
Trung Quốc hôm 2/7 tuyên bố cho đến nay họ chưa áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt kinh tế nào với Ấn Độ sau cuộc đụng độ biên giới tồi tệ nhất trong vài thập kỷ giữa hai quốc gia.
DN Trung Quốc bị chặn đường sống ở Ấn Độ: vì sao ông Tập nhượng bộ, không "ăn miếng trả miếng"? - Ảnh 1.

Quan hệ kinh tế Trung - Ấn đang ngày càng mong manh sau vụ đụng độ biên giới làm 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong trong bài phát biểu trước giới truyền thông hôm 2/7 cho biết Bắc Kinh không có ý định dấn thân vào một cuộc tranh chấp thương mại “ăn miếng trả miếng” với người láng giềng Ấn Độ sau vụ đụng độ biên giới. Ông Cao Phong cũng đồng thời nhấn mạnh thông điệp Trung Quốc kỳ vọng Ấn Độ ngừng nhắm mục tiêu đến hoạt động xuất khẩu của nước này để đảm bảo mối quan hệ thương mại lành mạnh giữa hai bên.

“Trung Quốc rất coi trọng việc tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực; đồng thời kỳ vọng cả hai sẽ có những bước tiến tích cực trong quan hệ song phương”.

Phát biểu được đưa ra sau hàng loạt động thái mang tính trừng phạt kinh tế của chính phủ Ấn Độ vì vụ đụng độ biên giới khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng. 

Ấn Độ trong tuần này đã cấm 59 ứng dụng, trong đó có hàng loạt ứng dụng phổ biến toàn cầu của Trung Quốc như TikTok, WeChat, Weibo…, viện dẫn rủi ro an ninh quốc gia. Phía Bắc Kinh sau đó đã đáp lại tuyên bố mong muốn Ấn Độ ngay lập tức “sửa chữa” hành vi phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc.

Trước đó, chính quyền Thủ tướng Modi cũng cấm các nhà khai thác mạng nhà nước sử dụng thiết bị viễn thông từ các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE trong cơ sở hạ tầng mạng 4G và 5G  thử nghiệm. Hàng loạt động thái bên lề như cấm các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng dự án đường bộ, bao gồm cả hình thức liên doanh… cũng phản ánh cách tiếp cận cứng rắn của phía Ấn Độ sau tranh chấp biên giới.

Trên các mạng xã hội tại Ấn Độ, hashtag #BoycottChineseProducts cũng được lan truyền rộng rãi và nhận về sự ủng hộ của đông đảo người dùng, trong đó có cả những minh tinh Hollywood. Nhiều cuộc biểu tình cũng bùng nổ tại Ấn Độ với thông điệp tẩy chay sản phẩm, hàng hóa Trung Quốc.

Dù các quan chức quân sự hai bên mới đây đã đồng ý đàm phán xoa dịu căng thẳng leo thang trên tiền tuyến, quan hệ kinh tế Trung - Ấn vẫn ngày càng tệ đi. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã xóa tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Các hiệp hội thương nhân và chính trị gia cũng đang yêu cầu tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, dù nhiều nhà quan sát chỉ ra Ấn Độ khó mà thực sự “chia tay Trung Quốc” do sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Ấn Độ đạt tới 74,83 tỷ USD, vượt xa kim ngạch xuất khẩu từ Ấn Độ sang Trung Quốc là 17,98 tỷ USD, theo thống kê từ dữ liệu hải quan. Mặt hàng xuất khẩu hàng đầu từ Trung Quốc sang thị trường Ấn Độ là smartphone, và nhập về chủ yếu là sợi bông, đồng, quặng sắt.

Phản ứng tương đối mềm dẻo của chính quyền Bắc Kinh với Ấn Độ thể hiện sự tương phản rõ rệt so với phản ứng của Bắc Kinh trong căng thẳng Mỹ - Trung. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình khi đó ngay lập tức dấn thân vào cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng ngay sau khi bị Washington áp thuế trừng phạt đầu tiên vào năm 2018. Hành động đáp trả sau đó đã dẫn tới cuộc chiến tranh thương mại toàn diện dai dẳng, gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu. 

Các nhà quan sát cho hay sở dĩ Trung Quốc mềm mỏng như vậy là vì nước này từ lâu đã xem Ấn Độ là đồng minh tiềm năng trong quan hệ quốc tế để chống lại nhóm các nền kinh tế phát triển do Mỹ cầm đầu. Trung Quốc và Ấn Độ hiện cùng thuộc nhóm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS bao gồm Nga, Brazil và Nam Phi.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục