Hàng triệu người Ấn Độ tải ứng dụng "diệt" app Trung Quốc, Google vội vàng gỡ bỏ
Hôm 2/6, gã khổng lồ công nghệ Google tuyên bố sẽ gỡ bỏ hoàn toàn ứng dụng mang tên “Remove China App” (xóa app Trung Quốc) khỏi cửa hàng ứng dụng Google Play do cáo buộc vi phạm chính sách về hành vi lừa đảo người dùng,
Remove China App đã được tải lên kho ứng dụng Google Play với nhãn “ứng dụng giáo dục” và nhanh chóng lọt top app phổ biến nhất tại thị trường Ấn Độ với hơn 1 triệu lượt tải xuống trong vỏn vẹn 10 ngày kể từ khi ra mắt.
Theo nhà phát triển OneTouch AppLabs có trụ sở tại Jaipur, ứng dụng Remove China App cho phép người dùng phát hiện và xóa bất cứ app nào được cài trong smartphone của họ có liên kết với Trung Quốc.
Ứng dụng đã được chia sẻ rộng rãi tại Ấn Độ khi căng thẳng biên giới Trung - Ấn nóng lên làm gia tăng tâm lý bài trừ Trung Quốc. Lâu nay, hai quốc gia vẫn thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp tại khu vực biên giới kéo dài 3.500km. Căng thẳng tại vùng biên giới Ladakh (Ấn Độ) đối diện Tây Tạng mới đây là lần xung đột tồi tệ nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Lý giải về hành động gỡ app Remove China App, phía Google cho hay doanh nghiệp này cấm các ứng dụng “cố gắng đánh lừa người dùng hoặc kích động hành vi không trung thực”. Google đồng thời cấm các ứng dụng khuyến khích người dùng xóa hoặc vô hiệu hóa ứng dụng của một bên thứ ba khác trừ khi nó gây ra mối đe dọa bảo mật có thể kiểm chứng. Google Play cũng cấm các ứng dụng trong kho dữ liệu được quyền thay đổi cài đặt hoặc tính năng thiết bị bên ngoài ứng dụng mà không có sự chấp thuận của người dùng.
Theo trang web TechCrunch, một số người dùng ứng dụng Remove China App nhận thấy những nội dung bị ứng dụng này cảnh báo không có mối liên kết rõ ràng với Trung Quốc. Ứng dụng này thậm chí “gắn cờ” cả app hội nghị trực tuyến Zoom của Mỹ.
OneTouch AppLabs, nhà phát triển ứng dụng Remove China App thì giải thích rằng app chỉ được phát triển cho mục đích giáo dục. “Chúng tôi không quảng bá hoặc buộc người dùng gỡ cài đặt bất kỳ ứng dụng nào”.
Google cũng gỡ một ứng dụng phổ biến khác tại Ấn Độ là Mitron - nền tảng chia sẻ video trực tuyến được quảng bá là “sự đáp lại TikTok của Trung Quốc”. Mitron đã gần như phổ biến ngay lập tức tại Ấn Độ với hơn 5 triệu lượt tải xuống kể từ khi tung ra hồi tháng 4/2020 đến nay.
Trước khi căng thẳng leo thang, chính phủ Ấn Độ đã quan ngại về sự phổ biến ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc trong nền kinh tế này. Hồi tháng 4/2020, New Delhi đã tìm cách thắt chặt các quy tắc đầu tư nhằm chặn một số “cơ hội” đầu tư từ quốc gia láng giềng.
Bên cạnh việc xóa app Trung Quốc, nhiều người dân Ấn Độ, bao gồm cả các ngôi sao Bollywood đình đám cũng đang hưởng ứng lời kêu gọi ngừng sử dụng hàng Trung Quốc. Hashtag #BoycottChineseProducts đang nổi lên như xu hướng phổ biến bậc nhất trên Twitter.