Doanh nghiệp bất động sản có khó khăn về nguồn vốn năm 2025?
Doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc vào vốn tín dụng
Nhiều chuyên gia nhận định, nguồn vốn vẫn đang là một thách thức lớn với doanh nghiệp bất động sản. Đây là một nút thắt lớn với nhiều doanh nghiệp trong quá trình vận hành và phát triển.
Hiện nay không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà cả nhà đầu tư đều đang sử dụng hơn 50% nguồn vốn tín dụng. Như vậy, nguồn vốn từ ngân hàng đang đóng vai trò chủ đạo trên thị trường bất động sản. Do đó, Nhà nước cần đưa ra những chính sách tích cực hỗ trợ, hạn chế những chính sách thắt chặt hay kiểm soát tín dụng quá mạnh khiến thị trường gặp khó.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nguồn tín dụng vẫn được xem là vốn chính của doanh nghiệp bất động sản. Nếu trong thời điểm thắt chặt tín dụng thì những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng sẽ gặp khó khăn, dẫn đến các dự án chậm triển khai.
"Một số doanh nghiệp với nguồn hàng lên tới hàng nghìn căn hộ đang hoàn thiện và chờ bàn giao nhưng lại không tiếp cận được tín dụng, phải đối mặt với thực tế thiếu vốn. Tắc nghẽn vốn khiến những doanh nghiệp này không thể tung hàng ra thị trường khiến tồn kho tăng mạnh, thanh khoản thị trường giảm sút", ông Đính nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần đa dạng nguồn vốn cho thị trường bất động sản, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng.
"Nguồn vốn đầu tiên mà doanh nghiệp có thể huy động là nguồn vốn từ khách hàng, đến từ tiền đặt cọc, tiền ứng trước, tiền trả góp. Đối với việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, hiện nay, quy định không bắt buộc. Tùy vào thỏa thuận giữa người mua nhà và chủ đầu tư, nếu người mua không yên tâm thì có thể yêu cầu chủ đầu tư phải bảo lãnh. Tuy nhiên, người mua sẽ phải trả phí bảo lãnh", ông Lực cho biết.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, bên cạnh nguồn vốn từ khách hàng, doanh nghiệp bất động sản có thể tìm đến nguồn vốn tín dụng bảo lãnh và cho thuê tài chính. Để giảm áp lực tài chính, thay vì đi vay tiền mua trang thiết bị để thi công dự án, các doanh nghiệp bất động sản có thể sử dụng phương án thuê tài chính.
Thứ ba, doanh nghiệp bất động sản có thể tìm đến là thị trường vốn. Thị trường vốn bao gồm vốn cổ phiếu, trái phiếu, vốn từ các quỹ đầu tư và các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thứ tư, doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận là nguồn vốn nước ngoài, đến từ vốn vay, vốn phát hành trái phiếu quốc tế. Hiện rất ít doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguồn vốn nước ngoài.
Cuối cùng, nguồn vốn từ ngân sách. Vốn từ ngân sách sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp về thuế, phí. Ông Lực nhấn mạnh một số phân khúc đặc thù của thị trường như nhà ở xã hội cần thiết phải sử dụng nguồn vốn từ ngân sách để có thể phát triển thuận lợi.
Năm 2025, doanh nghiệp bất động sản bớt áp lực về vốn
Tại tọa đàm "Bất động sản năm 2025: Tìm cơ hội trong thách thức", ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, bao gồm cả vốn ngân hàng và vốn trái phiếu. Áp lực đè nặng lên họ khi phải đối mặt với cả dư nợ ngân hàng lẫn dư nợ trái phiếu, trong khi nguồn vốn để trả nợ không dễ dàng thu xếp.
Nguồn vốn trả nợ thường phụ thuộc vào các dự án đã hoàn thiện. Đối với những dự án có sản phẩm đảm bảo pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp thậm chí có thể trả nợ trước hạn, đặc biệt khi giá cả hợp lý, thu hút được nhà đầu tư. Tuy nhiên, với những dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý hoặc đã hoàn thành nhưng chưa được cấp sổ đỏ, việc trả nợ sẽ gặp nhiều thách thức.
"Trong bối cảnh ngành bất động sản đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất, khi các doanh nghiệp gần như không còn cơ hội phát triển, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này vẫn duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy ngành Ngân hàng luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản", ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, thị trường bất động sản đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mở ra nhiều cơ hội lớn cho năm 2025. Cơ cấu tổ chức trong ngành này cũng đang được củng cố, giúp giảm đáng kể chi phí doanh nghiệp.
"Người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian và công sức. Đặc biệt, với hơn 145.000 tỷ đồng đang chờ đổ vào thị trường nhà ở xã hội, triển vọng cho một hướng đi bền vững là rất khả quan", ông Hùng nhận định.
Đồng thời, Chính phủ đã có những chính sách linh hoạt, cho phép doanh nghiệp bất động sản có thêm thời gian để trả nợ trái phiếu. Điều này giúp các doanh nghiệp có cơ hội tái cơ cấu nguồn lực, từ đó đảm bảo khả năng thanh toán các khoản vay ngân hàng. Đây được xem là một động thái hợp lý trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.