Doanh nghiệp chứng nhận xuất xứ hàng hóa thế nào để hưởng ưu đãi từ EVFTA?
Ngày 15/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, cùng ngày Hiệp định EVFTA được thực thi.
Sau đó, nhằm triển khai Thông tư số 11/2020/TT-BCT và hỗ trợ thương nhân xuất khẩu hàng hóa tận dụng ưu đãi EVFTA, ngày 31/7 vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có công văn số 812/XNK-XXHH gửi các Hiệp hội ngành hàng và thương nhân xuất khẩu để hướng dẫn về chứng từ chứng nhận xuất xứ.
"Đối với lô hàng xuất khẩu của Việt Nam có trị giá không quá 6.000 euro, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 19 Thông tư số 11/2020/TT-BCT, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Việc tự chứng nhận xuất xứ được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 11/2020/TT-BCT.
Sau khi thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, thương nhân có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu do thương nhân tự chứng nhận xuất xứ trên www.ecosys.gov.vn theo quy định tại khoản 7 Điều 25 Thông tư này", đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Ngoài ra, đối với các lô hàng xuất khẩu có trị giá trên 6.000 euro, nhà xuất khẩu phải có C/O mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Quy trình khai báo và chứng nhận C/O mẫu EUR.1 thực hiện tương tự các mẫu C/O hiện hành.
"Việc kê khai C/O mẫu EUR.1 được Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục đính kèm công văn số 812/XNK-XXHH. Đối với hàng hóa xuất khẩu sang Vương quốc Anh, các thương nhân xuất khẩu chỉ kê khai C/O mẫu EUR.1 hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ đến hết ngày 31/12/2020", đại diện Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm.
Vừa qua, Hiệp định EVFTA chính thức được thực thi vào ngày 1/8. Theo đánh giá từ giới chuyên môn, sự kiện này được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế nước ta, với mức dự báo lên tới 2,18 đến 3,25% vào năm 2025 (giai đoạn 05 năm đầu thực hiện). Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 42,7%, trong đó, các ngành hàng quan trọng như gạo, may mặc, da giày có mức tăng xuất khẩu lên tới 65%, 81% và 99% trong cùng giai đoạn.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), tại Chương 2, Phụ lục 2-A, EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan (HNTQ) cho Việt Nam đối với gạo với lượng hạn ngạch là 80.000 tấn/năm.
Trong đó, gạo thơm đã xay xát với lượng hạn ngạch là 30.000 tấn/năm. Theo đó, các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.