Ứng dụng Bluezone được Thủ tướng đề nghị toàn dân cài đặt để truy vết Covid-19 của ai?

07/08/2020 12:09 GMT+7
Theo thống kê, hiện đã có 8,5 triệu người sử dụng ứng dụng Bluezone. Đây là ứng dụng được Thủ tướng đề nghị mọi người dân cài vào smartphone để truy vết Covid-19, bảo vệ bản thân và gia đình. Vậy ứng dụng Bluezone của ai?

Bluezone: Bảo mật, ẩn danh

Bluezone là ứng dụng truy vết nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, đồng thời cảnh báo nếu người dùng tiếp xúc gần với người nhiễm virus corona. Ứng dụng dành cho smartphone chạy iOS và Android.

Đây là ứng dụng sử dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp, viết tắt là BLE (Bluetooth low energy). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau ở khoảng cách 2 mét, ghi nhận sự tiếp xúc gần, tiếp xúc vào lúc nào và trong bao lâu.

Ứng dụng Bluezone của ai? - Ảnh 1.

Ứng dụng Bluezone hiện tại đã có 8,5 triệu lượt tải về.

Điều này sẽ giúp người dùng biết được và kiểm soát các tiếp xúc gần nếu phát hiện ca nhiễm Covid-19 F0. Cụ thể, trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, khi người dùng có tiếp xúc, ứng dụng Bluezone trên điện thoại của họ sẽ tự "giao tiếp" với nhau. Nếu có tiếp xúc gần trong khoảng cách 2m. Thiết bị sẽ tự động ghi nhận vào nhật ký.

Nguyên tắc của Bluezone là bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại của người dùng, không chuyển lên hệ thống cũng như không thu thập vị trí của người dùng.

Mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đểu ẩn danh với những người khác. Chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới biết những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.

Bluezone của ai?

Theo tìm hiểu của Etime, ứng dụng Bluezone do Tập đoàn công nghệ Bkav phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển. Ứng dụng Bluezone được đánh giá là bước tiến mới có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng, chống dịch Covid-19.

Bkav là Tập đoàn công nghệ Việt Nam với các sản phẩm, dịch vụ về an ninh mạng, phần mềm, smartphone và các thiết bị điện tử thông minh, nhà thông minh...

Vào đầu tháng 7/1995 ra phiên bản đầu tiên, với tác giả là Nguyễn Tử Quảng cùng một số đồng nghiệp trong Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những phiên bản đầu tiên của Bkav được chạy trên nền MS-DOS.

Ứng dụng Bluezone của ai? - Ảnh 2.

CEO Nguyễn Tử Quảng.

Đến tháng 11/2001 – phiên bản Bkav 2002 chạy trực tiếp trên nền Microsoft Windows được ra đời. Năm 2005 – Bkav tách mảng ra thành 5 phiên bản gồm có Bkav Home, Bkav Pro, Bkav Mobile, Bkav Enterprise, Bkav Gateway Scan.

Cũng từ năm 2005, sau 10 năm cung cấp Bkav chính thức được thương mại hóa.

Ngày 26/5/2015 – Bkav chính thức giới thiệu chiếc điện thoại thông minh Bphone do người Việt sản xuất và được thích hợp sẵn ứng dụng Bkav Mobile Security bản quyền.

Bkav là 1 trong 10 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam bình chọn, nằm trong top 10 Dịch vụ hoàn hảo do Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn.

Ông Nguyễn Tử Quảng (SN 1975 ở Ninh Bình) là người đã cùng một nhóm viết phần mềm chống virus máy tính Bkav. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Tử Quảng học lớp chuyên toán của Trường THPT chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội và sau đó trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm thứ 3 đại học (1995) Nguyễn Tử Quảng đã cùng nhóm bạn bắt đầu viết phần mềm diệt virus Bkav và tiếp tục theo đuổi trong suốt 10 năm sau đó.

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, chính anh được giữ lại làm giảng viên bộ môn kỹ thuật máy tính, khoa CNTT, tiếp tục nghiên cứu Bkav và các chương trình khác. Thang17 năm 1997 công bố công trình hoàn thành phần mềm chống virus trên mạng đầu tiên của Việt Nam với tên AV-ONLINE và đến tháng 11, 1997 viết thành công phần mềm hỗ trợ kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet, phục vụ cho việc kết nối Internet của công ty FPT - một trong ba nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Việt Nam.

Tháng 12 năm 2001, thành lập Trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (BKIS) dưới sự bảo trợ của Đại học Bách khoa Hà Nội với 9 thành viên khác và trở thành giám đốc của trung tâm này.

Năm 2003, được Tạp chí EChip phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin.

Năm 2005, sau 10 năm cung cấp miễn phí, Bkav chính thức được thương mại hoá. Từ đó, mọi lỗi nhỏ của sản phẩm cũng như những phát ngôn của anh thường chịu những cái nhìn vô cùng khắt khe của cộng đồng mạng và giới truyền thông.

Năm 2008, Nguyễn Tử Quảng đã công tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình điều tra sự việc “Lộ đề thi toán khối A” trong cuộc thi tuyển sinh vào Đại học năm 2008 - 2009 và được tặng thưởng.

Năm 2015, công ty của Nguyễn Tử Quảng đã cho ra mắt Bphone, sản phẩm smartphone đầu tiên được chế tạo trên dây chuyền ở Việt Nam. Trước mặt gần 2.000 khách mời, chủ yếu là giới công nghệ Việt, BKAV đã có một buổi trình diễn đơn điệu, với kiểu cách “lấn át người xem” với phong cách diễn thuyết “na ná lãnh đạo Apple” không mấy tế nhị.

Nguyễn Tử Quảng đã chê những sản phẩm như iPhone 6, Samsung Galaxy S6 với nhiều chi tiết thừa, thiết kế kém tinh tế, trong khi cho rằng Bphone có “thiết kế phẳng như một mặt kính, tối giản đến từng chi tiết, không có viền bao, mạnh mẽ, cá tính nhưng vô cùng mềm mại,.. gọi đó là thiết kế kiểu dáng phẳng đầu tiên trên thế giới”.

Năm 2017, Nguyễn Tử Quảng tiếp tục cho ra mắt smartphone Bphone 2017.

Năm 2018, Nguyễn Tử Quảng tiếp tục cho ra mắt smartphone Bphone 3 và Bphone 3 Pro.

Cuối năm 2019, CEO Bkav cho biết bên cạnh nâng cấp về phần cứng, Bphone 4 vẫn sẽ tập trung vào camera AI, thêm tính năng chụp macro.

Đầu tháng 2/2020, CEO Nguyễn Tử Quảng đã tạo cuộc khảo sát hỏi ý kiến người dùng về việc ra mắt Bphone 4. Hiện tại, có gần 2.500 lượt bình chọn sự kiện vẫn sẽ được ra mắt trong tháng 3 nhưng quy mô vừa phải, tránh tụ tập nhiều người. Trong khi, phương án lùi thời gian ra mắt, chờ đến khi hết dịch corona được hơn 1.000 lượt bình chọn.

Và mới đây, trên fanpage của CEO Nguyễn Tử Quảng đã chính thức xác nhận ngày ra mắt Bphone 4 sau khi bị lùi lịch ra mắt khoảng 2 tuần, một phần do ảnh hưởng của dịch virus Corona đang có những diễn biến phức tạp, song đó là sự cần thiết để Bkav có thêm thời gian chuẩn bị sẵn sàng cho sản phẩm mới này.

An Vũ
Cùng chuyên mục