Doanh nghiệp đề xuất chính thức áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường Thái Lan

Thanh Phong Thứ hai, ngày 31/05/2021 17:00 PM (GMT+7)
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời với đường Thái Lan, ngành mía đường trong nước đã có nhiều khởi sắc.
Bình luận 0

Ngày 9/2/2021 của Bộ Công thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, việc tạm thời thu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường tinh luyện từ Thái Lan là 48,88%.

Ngay sau khi chính sách trên có hiệu lực, giá bán đường trong nước đã tăng từ 11.500 – 12.000 đồng/kg vào tháng 9/2020 lên 15.500 – 16.000 đồng/kg vào tháng 2/2021 (tức tăng 35% và giá đã có VAT).

Cùng với việc giá đường tăng, giá thu mua mía của nông dân cũng tăng 40%, từ mức 750.000 đồng/tấn mía lên mức 1,2 triệu đồng/tấn mía. Theo nhận định của giới chuyên môn, việc giá thu mua tăng cao sẽ khuyến khích nông dân quay lại cây mía.

Doanh nghiệp đề xuất chính thức áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường Thái Lan - Ảnh 1.

Sau quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường Thái Lan, người nông dân đã có thể quay lại với cây mía.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV đường Biên Hòa – Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, hiện tại, một số doanh nghiệp vừa sản xuất từ nguyên liệu mía và đường thô. Tuy nhiên, có doanh nghiệp chỉ sản xuất từ nguyên liệu đường thô hoặc từ mía.

Do đặc thù vụ thu hoạch mía chỉ kéo dài tối đa từ 120 đến 140 ngày và trước thực trạng diện tích vùng nguyên liệu và sản lượng mía ngày càng bị sụt giảm thì các nhà máy chắc chắn sẽ không đủ nguyên liệu mía để sản xuất. Để giải quyết vấn đề này, các nhà máy sẽ cần bổ sung nguồn nguyên liệu đường thô để chế luyện nhằm tối ưu hóa hoạt động.

Do đó, vị lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình với việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có sự phân biệt giữa đường tinh luyện và đường thô. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp chế luyện nhập nguyên liệu thô để sản xuất đường tinh luyện.

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp theo Quyết định số 477/QĐ-BCT, đặc biệt là việc áp dụng mức thuế CBPG,CTC có sự chênh lệch giữa đường thô và đường tinh luyện", ông Việt khẳng định.

Mới đây Công ty TNHH MTV đường Biên Hòa – Ninh Hòa cũng đã có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa với kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành quyết định chính thức về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, CTC đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan theo nội dung của Quyết định số 477/QĐ-BCT.

Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá,CTC đối với đường tinh luyện là 48,88%; mức thuế CBPG,CTC đối với đường thô thấp hơn đường tinh luyện với mức chênh lệch tối thiểu là 15%, xem xét ở mức hợp lý là 20 – 25%.

Trước đó,Với việc nhập khẩu đường Thái Lan giá thấp thời gian qua đã làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng. Diện tích mía của cả nước từ 300.000 ha đã tụt giảm chỉ còn dưới 160.000 ha.

Tổng số nhà máy đường từ 41 nhà máy, đến nay chỉ còn 29 nhà máy hoạt động nhưng cầm chừng, nguyên liệu thiếu trầm trọng nên chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế. Sản lượng đường sản xuất trong nước từ hơn 2triệu tấn/năm đến nay chỉ còn dưới 1 triệu tấn.

Doanh nghiệp đề xuất chính thức áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường Thái Lan - Ảnh 2.

Đường nhập khẩu vẫn tăng bất thường vào Việt Nam các tháng đầu năm 2021.

Tuy đã có một số tín hiệu khởi sắc sau quyết định áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan nhưng ngành mía đường Việt vẫn chưa hết mối lo. Theo đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay, 3 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN.

Cụ thể, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ, lên tới 5735% khi so sánh cùng kỳ với 3 tháng đầu năm 2020.

Đáng chú ý, trong các nước nêu trên, Malaysia là quốc gia không trồng mía còn Indonesia và Campuchia là các quốc gia sản xuất không đủ và phải nhập khẩu đường (net sugar importer).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem