Đường nhập khẩu tăng 5735%, ngành mía đường lâm nguy

Thanh Phong Thứ hai, ngày 10/05/2021 17:23 PM (GMT+7)
Trong 3 tháng đầu năm 2021, lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN vào Việt Nam tăng đột biến, lên tới 5735% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, ngành mía đường đang phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề.
Bình luận 0

Số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, 3 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN.

Cụ thể, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ, lên tới 5735% khi so sánh cùng kỳ với 3 tháng đầu năm 2020.

Đáng chú ý, trong các nước nêu trên, Malaysia là quốc gia không trồng mía còn Indonesia và Campuchia là các quốc gia sản xuất không đủ và phải nhập khẩu đường (net sugar importer).

Đường nhập khẩu tăng 5735%, ngành mía đường lâm nguy - Ảnh 1.

Đường nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2021 từ 5 nước ASEAN tăng 5735% khiến ngành mía đường Việt Nam gặp khó.

Phản ánh với Dân Việt, đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng, mức tăng là 5735% so với cùng kỳ thực sự là hiện tượng không bình thường.

"Chắc chắn cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về sản xuất mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như trên.

Thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Cả năm nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan và bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN nêu trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan", đại diện VSSA nhận định.

Cũng theo VSSA, trước tình trạng trên, các nhà máy đang gặp khó khăn vì đã nâng giá mía lên cho nông dân. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ đường với mặt bằng giá mới đang không thể thực hiện do sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.

Được biết, trong tháng 04/2021 hầu hết các nhà máy mía của ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2020/21, chỉ còn nhà máy đường Sóc Trăng còn tiếp tục hoạt động.

Lũy kế đến cuối tháng 4/2021 toàn ngành đã ép được 6,263,796 tấn mía sản xuất được 661,712 tấn đường. Ước tính sản lượng đường của vụ 2020/21 sẽ đạt khoảng dưới 700.000 tấn, thấp hơn vụ trước 2019/20.

"Số liệu sản xuất đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu trước sự tàn phá của nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây tại các vùng sản xuất mía", đại diện VSSA chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem