Doanh nghiệp FDI mong muốn bỏ khái niệm “hàng hóa thiết yếu” trong Chỉ thị 15, 16

Thanh Phong Thứ ba, ngày 21/09/2021 09:37 AM (GMT+7)
Theo đại diện một số doanh nghiệp FDI, hiện tại việc “sống chung với dịch” là tất yếu. Do đó, ngành chức năng cần thay đổi, bổ sung một số quy định để doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”.
Bình luận 0

Doanh nghiệp "gánh" đủ chi phí vẫn lo bị đóng cửa bất cứ lúc nào

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến, phức tạp, khối doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng đã xác định việc "sống chung với dịch" là không thể tránh khỏi. Hiện tại, TP. Hà Nội đã dừng áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tại các tỉnh thành phía Nam, nơi tập trung nhiều công xưởng sản xuất của các doanh nghiệp, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch vẫn được thực hiện quyết liệt.

Theo đó, hoạt động phòng chống dịch hiện nay đang "ngốn" rất nhiều chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp luôn đứng trước mối lo bị đóng cửa bất cứ lúc nào nếu có ca F0.

Trao đổi với Dân Việt, ông Cao Hoàng Nam, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông PepsiCo cho biết, hiện tại, đa phần các nhà máy nằm trong khu vực áp dụng Chỉ thị 16 đang phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Việc áp dụng các giải pháp này chỉ có thể trong ngắn hạn, ví dụ như tại Bắc Ninh, Bắc Giang trong vòng khoảng 2 tuần.

Doanh nghiệp FDI mong muốn bỏ khái niệm “hàng hóa thiết yếu” - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp FDI sản xuất và tiêu thụ trong nước chưa thể dịch chuyển khỏi Việt Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư)

"Hiện nay, nhiều nhà máy đã phải thực hiện gần 2 tháng, các chi phí để áp dụng đội lên rất cao. Việc áp dụng "3 tại chỗ" phải để công nhân hoàn toàn ở nhà máy, với "1 cung đường, 2 điểm đến", doanh nghiệp phải thuê khách sạn và chi trả toàn bộ chi phí ăn uống, xét nghiệm, di chuyển. Khi áp dụng các phương án nói trên, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp có thể đăng ký thực hiện. Tuy nhiên, trong 40% nói trên, chỉ có 50% đến 60% có thể đạt được công suất vì có giới hạn về lượng công nhân.

Tuy đã phải thực hiện biện pháp sản xuất phòng chống dịch tốn kém như vậy nhưng doanh nghiệp nào cũng vẫn lo sợ vì có thể phải đóng cửa nhà máy bất cứ lúc nào. Ngoài ra, việc lưu thông, di chuyển tuy đã có "luồng xanh" do Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quy định, tuy nhiên, các địa phương có rất nhiều giấy phép "con" và các quy định khác", ông Nam chia sẻ.

Nhận định về việc những bất cập hiện hữu có thể xảy ra tình trạng các doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam, ông Nam cho rằng, điều này phụ thuộc vào quy mô và tính chất của từng doanh nghiệp.

"Không phải doanh nghiệp FDI nào cũng dịch chuyển, tại Việt Nam, có những doanh nghiệp nằm trong supply chain (chuỗi cung ứng) toàn cầu. Tùy từng quy mô của các tập đoàn, tuy nhiên, doanh nghiệp FDI thường bố trí nhiều nhà máy ở các nước khác nhau để cung cấp một mặt hàng nào đó để ghép lại thành một sản phẩm.

Mặt hàng này sẽ được cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn thế giới, nếu điều kiện ở Việt Nam không đáp ứng được thì họ sẽ phải dịch chuyển sang một khu vực khác. Đối với các doanh nghiệp chỉ sản xuất và tiêu thụ ở Việt Nam thì câu chuyện sẽ khác", ông Cao Hoàng Nam chia sẻ.

Cần có kế hoạch rõ ràng, không thể "nay mở, mai đóng"

Cũng theo phân tích của ông Nguyễn Hồng Uy, thành viên Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) trong bối cảnh phải xác định sống chung với dịch bệnh, cần có chiến lược, kế hoạch rõ ràng, không thể "nay mở, mai đóng", có thể gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

"Chúng ta đang có cơ hội rất lớn để mở cửa sản xuất, kinh doanh nhưng điều người dân, doanh nghiệp cần là một lộ trình rõ ràng, cụ thể, có thể dự đoán được. Như vậy doanh nghiệp mới chuẩn bị được kế hoạch, không thể hôm nay mở, ngày mai đóng. Hay khi mở ra nguyên liệu lại không có, vì vậy, cần đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt.

Khi đã tiêm xong thì cần mở cửa hoàn toàn, xác định "sống chung với lũ", lúc đó không cần phân biệt "vùng xanh – vùng đỏ". Có thể kể đến một số mô hình ở các nước như Mỹ, Singapore,… họ đã làm như vậy. Tại TP. HCM, theo tính toán của chúng tôi, với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, đến tháng 12, hoàn toàn có thể mở cửa với trạng thái "bình thường mới"", ông Uy phân tích.

Doanh nghiệp FDI mong muốn bỏ khái niệm “hàng hóa thiết yếu” - Ảnh 2.

Việc "mở cửa" theo kiểu "nay mở, mai đóng" có thể khiến doanh nghiệp bị động gây thiệt hại lớn. (Ảnh: Nhà đầu tư)

Đồng quan điểm trên, ông Nam thông tin thêm, để "sống chung với dịch", vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp đã có văn bản 10 điểm đề xuất gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh quan điểm của Thủ Tướng Chính Phủ về việc "phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp". Trong đó, một số nội dung cấp bách cần thực hiện sớm như việc chỉ thị, quy định phòng chống dịch phải do Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TƯ ban hành, thống nhất trên toàn quốc.

Bãi bỏ và nghiêm cấm các giấy phép con không đúng quy định. Các tỉnh thành cần thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, có kênh liên lạc trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để kịp thời giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, ngoài đại diện Đảng ủy, Ủy ban, Y tế, phải có đại diện Công Thương, Kế hoạch đầu tư, Nông nghiệp, Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội.

"Xây dựng Chỉ thị mới để thay thế hoặc sửa đổi Chỉ thị số 15, 16, phù hợp với mục tiêu mới "sống chung với Covid" mà không làm quá tải hệ thống y tế. Bỏ khái niệm "hàng hóa thiết yếu" trong các chỉ thị này. Không phong tỏa theo vùng rộng mà theo điểm dân cư nhỏ nhất có nguy cơ cao", ông Nam đề xuất.

Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng cần sửa đổi quyết định 2686/QĐ-BCĐQG "Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19" cho phù hợp với thực tiễn, với các tiêu chí khoa học và rõ ràng hơn vì xác định nguy cơ sai sẽ đẫn đến chiến lược sai. Xem xét các mức độ giãn cách mới tùy theo nguy cơ dịch bệnh, năng lực y tế, tình hình tiêm chủng, từng loại hình sản xuất-kinh doanh.

"Các hiệp hội tin tưởng rằng nếu các đề xuất này được thông qua, sẽ chấm dứt được tình trạng phong tỏa diện rộng kéo dài, giúp doanh nghiệp mở cửa lại an toàn, giảm đáng kể được nguy cơ dịch bùng phát", ông Nam nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem