Doanh nghiệp lo lắng trước nguy cơ bị “bồi” thêm phí hạ tầng cảng biển

Quốc Hải Thứ năm, ngày 03/03/2022 16:00 PM (GMT+7)
Trước việc TP.HCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển kể từ ngày 1/4 tới, các doanh nghiệp xuất khẩu tỏ ra rất lo lắng. Bởi việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển tại thời điểm này là không hợp lý, tạo thêm gánh nặng chi phí…
Bình luận 0

Trước đó, từ ngày 16/2/2022, TP.HCM đã triển khai vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên môi trường thật - không thu phí (dự kiến đến hết ngày 15/3).

Sau thời gian vận hành thử nghiệm, dự kiến việc thu phí sẽ chính thức được thực hiện từ 0 giờ ngày 1/4 tới.

Doanh nghiệp lo lắng trước nguy cơ bị “bồi” thêm phí hạ tầng cảng biển - Ảnh 1.

TP.HCM tính toán chuẩn bị thu phí hạ tầng cảnh biển từ 1/4 tới khiến các DN càng thêm lo lắng. Ảnh: vietnamplus.vn

Thời điểm này không thích hợp!

Thời điểm này không thích hợp là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu. Bởi, các DN cho rằng họ mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại phải gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng, chi phí test Covid-19… trong khi các DN vẫn đang thiếu vốn, thiếu công nhân để đẩy mạnh sản xuất.

Do vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM vào thời điểm này càng làm gia tăng thêm gánh nặng cho DN, giảm năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More, nói thẳng, mức phí 250.000 đồng tính trên đầu container 20 feet là cực kỳ cao.

"Với DN nhỏ như chúng tôi, mỗi tháng xuất khẩu chỉ 5-10 container, mức phí này có thể chưa ảnh hưởng nhiều. Nhưng hiện có nhiều đơn vị xuất khẩu thủy hải sản, nông sản có tháng xuất khẩu cả mấy trăm container, sẽ bị ảnh hưởng cực kỳ lớn", ông Luận nói.

Hơn nữa, theo ông Luận, dù chi phí tăng cao nhưng DN không thể tăng giá bán vì hợp đồng đã ký. Nếu DN tăng giá sản phẩm cao sẽ mất khách hàng.

"Việc thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4 tới, không chỉ tạo thêm gánh nặng về chi phí, cản trở đà phục hồi của DN, mà bên cạnh đó việc tính toán chi phí này còn được cho là tồn tại nhiều bất cập.

Cụ thể, mức phí của các DN mở tờ khai ngoài TP.HCM cao gấp đôi so với mức phí các DN mở tờ khai tại địa phương này.

Việc này, không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN với nhau, mà còn có thể tạo nên làn sóng các DN ở tỉnh đổ xô về TP.HCM mở tờ khai hải quan dẫn đến ùn ứ hồ sơ, thủ tục và hàng hóa…" - Giám đốc một DN xuất nhập khẩu tại TP.HCM, nhận xét.

"Áp dụng mức phí nêu trên trong thời điểm này thì TP.HCM rất cần phải cân nhắc. Bởi sau hai năm đại dịch hoành hành, hiện các DN đang bắt đầu hồi phục nhưng mới đây giá xăng dầu tăng liên tục, giá nguyên vật liệu cũng tăng, chi phí logistic tăng, rồi nếu giờ áp dụng luôn phí cảng biển thì sẽ rất khó khăn cho các DN", ông Luận nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, cũng chia sẻ, mỗi tháng DN của ông xuất khẩu khoảng 40-50 container trái cây. Nếu áp dụng thu phí cảng biển thì chắc chắn chi phí sẽ đội lên.

"Bất cứ chi phí gì tăng lên đều sẽ ăn vô giá thành, sẽ gây ảnh hưởng nhiều", ông Tùng nói.

Doanh nghiệp lo lắng trước nguy cơ bị “bồi” thêm phí hạ tầng cảng biển - Ảnh 3.

Với các DN xuất khẩu mỗi tháng vài trăm container, chi phí hạ tầng cảng biển tính theo đầu container sẽ rất lớn. Ảnh: Báo Đầu Tư

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho biết, cước tàu ở cảng biển đã tăng gấp 4-5 lần, làm cho DN kiệt sức, nếu nay bị "bồi" thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến DN càng thêm khó khăn.

Theo chia sẻ của ông Thông, trung bình Phúc Sinh xuất khoảng 400 container/tháng. Tổng các loại phí phải trả trước đây khoảng 4 tỷ đồng/tháng, bây giờ đã lên tới hơn 15 tỷ đồng/tháng.

Sắp tới, nếu có thêm các khoản phí sử dụng hạ tầng cảng biển phát sinh nữa thì DN không biết xoay xở thế nào.

"Dịch Covid-19 đã làm cho nhiều DN kiệt sức và chưa thể hồi phục. Do đó, tăng thêm các loại phí hạ tầng cảng biển lúc này sẽ làm DN thêm điêu đứng", ông Thông nói thêm.

Lo phí chồng phí

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tuần qua, văn phòng VASEP đã nhận được nhiều phản ánh của các DN xuất khẩu thủy sản về việc TP.HCM chuẩn bị cho thu phí hạ tầng cảng biển kể từ đầu tháng 4 tới.

Theo các DN, việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao tại thời điểm này là không hợp lý.

"Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho DN, liệu quyết định này của UBND TP.HCM đã phù hợp?", đại diện VASEP đặt vấn đề.

Chưa kể, giữa bối cảnh DN còn chưa vực dậy sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đồng thời Chính phủ, các bộ ngành đang nỗ lực phục hồi kinh tế, giảm chi phí cho DN bằng các quyết sách linh hoạt thì việc TP.HCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4 là thời điểm không hợp lý và tạo nên tình trạng "phí chồng phí".

Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP.HCM. Trong khi đó, theo VASEP, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các DN thủy sản nói riêng, các DN sản xuất - kinh doanh của Việt Nam nói chung.

Theo tính toán của VASEP, chi phí tăng thêm cho một DN thủy sản quy mô trung bình là 3 – 3,5 tỷ đồng/năm; với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 – 14 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More, đặt vấn đề: "Có nhất thiết phải áp dụng thu phí thời điểm này không? Tại sao không tính chuyện dàn trải ra nhiều năm cũng với mục đích đầu tư hạ tầng càng biển. Hoặc có thể chuyển dời sang một thời điểm khác, khi các DN đã hồi phục lại sau đại dịch?".

Trước đó, nhiều DN đã tính tới việc vận chuyển container hàng tới cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thay vì cảng TP.HCM, nhưng chi phí sẽ tăng thêm từ 3 – 3,5 triệu đồng/container.

Ngày 9/12/2020, HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM với mức phí cụ thể:

Hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu:

Container 20ft hàng khô: 2.200.000đồng/container; Container 40ft hàng khô: 4.400.000đồng/container; Hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container: 50.000 đồng/tấn.

Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM

Container 20ft hàng khô: 500.000 đồng/container; Container 40ft hàng khô: 1.100.000 đồng/container; Hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container: 30.000 đồng/tấn.

Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tở khai tại TP.HCM

Container 20ft hàng khô: 250.000 đồng/container; Container 40ft hàng khô: 500.000 đồng/container; Hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container: 15.000 đồng/tấn.

Theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 của HĐND TP.HCM về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND, thời gian thu các loại phí nêu trên được bắt đầu áp dụng từ 1/4/2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem