Doanh nghiệp mất hợp đồng tỷ USD vì chậm chuyển đổi số

29/07/2020 05:06 GMT+7
Thiếu công cụ thanh toán số xuyên biên giới đã khiến nhiều hợp đồng tỷ USD của doanh nghiệp tuột khỏi tay trong tích tắc, theo các chuyên gia.

Thiếu công cụ thanh toán số xuyên biên giới đã khiến nhiều hợp đồng tỷ USD của doanh nghiệp tuột khỏi tay trong tích tắc, theo các chuyên gia.

Tại diễn đàn Chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu, tận dụng cơ hội từ EVFTA, ngày 28/7, ông Đỗ Hữu Hưng – CEO Accesstrade kể, vừa qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận được đơn hàng khẩu trang có giá trị rất lớn nhưng khi thực hiện, đòi hỏi thủ tục L/C (ký quỹ đảm bảo) lên đến 1 tỷ USD mà không có công cụ để thực hiện.

"Thiếu công cụ thanh toán số xuyên biên giới đã khiến nhiều hợp đồng tỷ USD của doanh nghiệp tuột khỏi tay trong tích tắc, trong khi có được hợp đồng trong bối cảnh dịch bệnh lúc này rất quý giá với sự tồn tại của doanh nghiệp", ông chia sẻ.

CEO Accesstrade cũng chỉ ra nút thắt trong chuyển đổi số lĩnh vực xuất nhập khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam đang mắc phải là thiếu công cụ truy xuất nguồn gốc hàng hoá, các thủ tục hải quan,... làm giảm đi cơ hội đưa sản phẩm tới các thị trường lớn như EU khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8 tới.

Doanh nghiệp mất hợp đồng tỷ USD vì chậm chuyển đổi số - Ảnh 1.

Các chuyên gia thảo luận tại DIễn đàn Chuyển đổi số xuất nhập khẩu, tận dụng cơ hội EVFTA ngày 28/7. Ảnh: Anh Minh.

Hiện xuất nhập khẩu xuyên biên giới chiếm khoảng 25% tổng doanh thu và có mức tăng gấp đôi so với mức tăng trưởng chung của ngành thương mại điện tử toàn cầu.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thương mại điện tử đã hiện thực hóa một nền thương mại không biên giới trên cả hai góc độ không gian và thời gian. Theo đó, cả người sản xuất và tiêu dùng có thể "cưỡi mây về gió".

Ông dẫn chứng, nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới một nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk chỉ cần nhấp chuột có thể bán hàng cho một cửa hàng ở Mỹ, hay thợ may ở Việt Nam có thể may đo cho một gia đình ở Paris (Pháp). Vì thế, nếu không nhanh chóng ứng dụng các công nghệ số, xuất nhập khẩu vẫn chỉ là sân chơi riêng của các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần đông các doanh nghiệp tại Việt Nam là vừa và nhỏ sẽ không tranh thủ được cơ hội mới.

"Sự thay đổi, trợ lực của kinh tế số trong bối cảnh hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ thay thế dần tập đoàn lớn chuyên sản xuất dây chuyền hàng loạt trên thế giới", ông nhận xét.

Theo các chuyên gia, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, doanh nghiệp có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp. Câu chuyện thành công khi xuất khẩu trực tuyến (B2B) trên nền tảng Alibaba hay bán lẻ trực tuyến qua biên giới (B2C) trên nền tảng Amazon là bài học chung cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ những cơ hội này, Thứ trưởng Công Thương Cao Quốc Hưng lưu ý việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho kênh cung ứng truyền thống vốn bị đứt đoạn bởi Covid-19.

"Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây", ông Hưng nói.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế quốc gia.

"Tư duy 'sợ mất mát, ngại thay đổi' chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp", ông đánh giá.

Muốn thực hiện thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu thành công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trách nhiệm của Chính phủ là phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng. Còn doanh nghiệp, phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Ở khía cạnh này, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong trao đổi thương mại.

Bộ này cũng cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử... để giúp doanh nghiệp có thể chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu.


Anh Minh/Vnexpress
Cùng chuyên mục