Doanh nghiệp "oằn mình" thêm gánh nặng tỷ giá USD/VND tăng vọt

An Linh Thứ năm, ngày 21/09/2023 11:20 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh lạm phát, các nền kinh tế trên thế giới khó khăn, tỷ giá USD/VND tăng vọt đã không còn là lợi thế của doanh nghiệp xuất khẩu nữa. Họ đang đói" đơn hàng, lãi suất cho vay hiện vẫn cao, nay phải "oằn mình" gánh thêm gánh nặng tỷ giá USD/VND.
Bình luận 0

Doanh nghiệp lo "đói" đơn hàng

Trao đổi với PV, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho rằng: Sự suy giảm kinh tế Mỹ và hàng loạt lần tăng lãi suất của FED đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Việt cho biết: "8 tháng đầu năm đơn hàng chúng tôi ổn định, tuy nhiên sang tháng 9, 10 - thời điểm thấp điểm của ngành may mặc, hiện nay chúng tôi chưa xác nhận được đơn hàng nào cho các tháng này. Phải nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từng tuần, từng ngày. Kỳ vọng đơn hàng nhiều hơn sẽ quay trở lại vào quý IV và bùng nổ vào các tháng 11, tháng 12/2023".

Tỷ giá neo thang, doanh nghiệp Việt ngày thêm khốn khó - Ảnh 1.

Tỷ giá neo thang gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát và giá nhập khẩu cuối năm

Ông Việt cho biết thêm điểm tích cực của doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam là nếu có đơn hàng là bước vào sản xuất ngay được do đủ nguyên liệu, đủ công nhân và đã có hàng trong kho.

CEO của Công ty May 10 phân tích: Hàng tồn kho của phần lớn doanh nghiệp hiện nay là tương đối lớn, nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày và gỗ. Doanh nghiệp cũng tranh thủ, nghe ngóng và tìm kiếm nhiều khách hàng khác để tăng khả năng xuất hàng, giảm gánh nặng tồn kho và cân bằng cán cân tài chính. Từ nay cuối năm, với những tín hiệu hồi phục của kinh tế Mỹ như trên, rất hy vọng điểm sáng này sẽ tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong bối cảnh kinh tế bình thường, tỷ giá USD/VND tăng có tác động trực tiếp làm tăng giá trị hàng xuất khẩu, nhất là ở các thị trường lớn và ngành hàng quan trọng như điện thoại, dệt may, da giày… nhưng mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn thêm để nhập khẩu máy móc, thiết bị nhiều hơn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tỷ giá neo thang, doanh nghiệp Việt ngày thêm khốn khó - Ảnh 2.

Ông Thân Đức Việt: CEO May 10: Hàng tồn kho của phần lớn doanh nghiệp hiện nay là tương đối lớn.

Tính từ đầu năm đến phiên giao dịch ngày 19/9, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 2% (tương ứng tăng 472 đồng). Thực tế, tỷ giá VND/USD đã tăng khá mạnh, hầu hết các ngân hàng mua vào, bán ra quanh mức 24.200 đồng đến 24.500 đồng/ USD. Tỷ giá "nhảy múa" khiến chuyên gia và doanh nghiệp cùng lo ngại. 

Trong bối cảnh bình thường, các thị trường nhập khẩu không có lạm phát, tỷ giá tăng tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng, hiện tại lạm phát gia tăng, đi liền với sự thắt chặt chi tiêu ở nhiều quốc gia phát triển, việc tỷ giá neo thang khiến hàng hoá chậm lưu thông, đơn hàng kém hơn.

Việc tỷ giá leo thang được bắt nguồn từ những thay đổi về lãi suất gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bởi tính từ tháng 5/2022 đến thời điểm hiện tại, Fed đã 11 lần tăng lãi suất, dự báo của giới chuyên gia, trong tháng 11/2023 nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất lần tiếp theo.

Tỷ giá nhảy múa còn một nguyên nhân nữa, đó là trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay khiến áp lực lên tỷ giá có xu hướng dồn tích.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, giảm lãi suất là yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, thay đổi lãi suất có độ trễ. Vì vậy, nếu điều hành lãi suất không thận trọng, quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể đến thời điểm nào đó nền kinh tế bị tác động thái quá, lúc đó có thể dẫn đến chi phí cho việc xử lý việc thái quá.

"Chính sách lãi suất có quan hệ biện chứng tới tỷ giá, nếu lãi suất thấp tỷ giá khả năng bùng lên. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý", Phó Thống đốc phân tích.

Doanh nghiệp "oằn mình" thêm gánh nặng tỷ giá USD/VND tăng vọt - Ảnh 3.

Biến động tỷ giá trong thời gian gần đây khiến doanh nghiệp giầy da cũng lo ngại. Ông Dương Văn Bình, Phó Giám đốc doanh nghiệp giầy da tại Hải Phòng cho biết, tác động tăng tỷ giá trong điều kiện bình thường sẽ giúp ích cho doanh nghiệp, nhưng bối cảnh hiện nay là không có lợi. 

"Về thị trường, để giữ đơn hàng, khách, doanh nghiệp cố gắng giảm chi phí để duy trì mức giá bán thấp nhất cho đối tác. Còn ở chiều nhập khẩu, nếu tỷ giá tăng sẽ khó tiếp cận được nguyên liệu nhập giá rẻ. Trong khi đó, lạm phát do chi phí đẩy ngày càng tăng khiến đời sống khó khăn hơn.

Tỷ giá tăng là nguyên nhân kéo theo các vấn đề cân đối lớn như tiêu dùng, tăng giá nguyên nhiên liệu, thức ăn, chi phí chăn nuôi. Hiện, sau khi lương cơ bản tăng từ tháng 7, song kinh tế khó khăn, đơn hàng yếu, xuất khẩu chững lại… đây là những vấn đề mà người lao động, doanh nghiệp gặp phải, đang trở thành thách thức cho doanh nghiệp", ông Bình nói.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam tính đến hết 15/9 đạt hơn 464 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 242 tỷ USD, nhập khẩu là 222 tỷ USD. Nền kinh tế xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 9 tháng của năm 2023.
Trong đó, các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 70% (tương ứng khoảng 320 tỷ USD) tổng kim ngạch thương mại cả nước, xuất siêu đạt hơn 34 tỷ USD.
Số liệu này cho thấy, khu vực doanh nghiệp FDI đang "gánh" nhập siêu hơn 14 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp trong nước, điều này thể hiện sự khó khăn của khu vực trong nước từ nay đến cuối năm.

Hàng xuất khẩu khó cạnh tranh, nhiều mặt hàng trong nước đang đội giá

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc tăng tỷ giá trong bối cảnh hiện nay sẽ khiến chi phí nhập khẩu nhiều loại linh kiện, hàng hoá của Việt Nam tăng cao. Điều này gây khó khăn cho đà phục hồi, phát triển. Nguy cơ xuất khẩu lạm phát của các nước khác sang Việt Nam nếu chúng ta không có giải pháp chống đỡ, căn cơ. 

Về góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dự báo tổng cầu dệt may của Mỹ vào năm 2023 sẽ chỉ còn khoảng 115 tỷ USD, giảm khoảng 13% so với 2022, tương đương mức nhập khẩu năm 2020 khi đại dịch Covid 19 bùng phát. 

"Tỷ giá đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng. Nếu xét trên lợi thế cạnh tranh tương đối, Việt Nam đang có nhiều hạn chế hơn so với các quốc gia xuất khẩu khác. VND đang ổn định, gần như không giảm giá so với đồng USD, trong khi đó các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu. Đơn cử trong 7 tháng đầu năm đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 4,9%, xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua, đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá 31%, đồng Rupee Pakistan mất giá 21,2%, đồng Bảng Ai Cập mất giá 19,9%, đồng Taka Bangladesh mất giá 5,9%", ông Trường cho hay.

Vẫn theo ông Trường, doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn gặp khó khăn trong lãi suất vay, tiếp cận tín dụng. Hiện nay, lãi suất cho vay của Trung Quốc ở mức 3,5%, Bangladesh 7%, Indonesia 5,7% trong khi đó Việt Nam ở mức 10-12%, cao hơn 5-7%. 

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, tuy nhiên theo Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam: "Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu áp lực lãi suất cho vay của ngân hàng cao và tiếp cận vốn khó hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem