Doanh nghiệp phải tìm cách "nhảy đầm" trong bão

11/09/2020 09:49 GMT+7
Trước những bất trắc khôn lường của dịch bệnh, doanh nhân không thể không lo lắng được. Rèn luyện tinh thần đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có ý chí rất lớn, và ý chí đó phải được truyền đến cho nhân viên của mình, để nhân viên có được sức mạnh.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Thống, Chủ tịch Công ty CARA Lighting trong tọa đàm “Quản trị sức khoẻ tinh thần của doanh nhân thời đại dịch” do TheLEADER tổ chức tại TP. HCM.

Thay vì thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu thì hãy tiêu xài nếu có điều kiện

Được mệnh danh là “phù thuỷ của ánh sáng”, ông Nguyễn Quốc Thống, người sáng lập thương hiệu CARA luôn được khách hàng và giới kiến trúc nể phục bởi gu thẩm mỹ tinh tế, sự uy tín và chân thành, cùng những sáng tạo không ngừng.

Khởi nghiệp từ năm 1995 với một cửa hàng nhỏ khi đất nước còn nghèo, bền bỉ tích lũy kinh nghiệm và không ngừng học hỏi, ông Nguyễn Quốc Thống, Giám đốc Công ty chiếu sáng Cao Trần đã hội nhập từ rất sớm với khu vực và thế giới, để tạo dựng nên thương hiệu CARA uy tín với tuổi đời hơn 25 năm.

CARA đã được các nhà thầu lớn trong và ngoài nước chọn lựa để tạo dựng sự lộng lẫy và quyến rũ của ánh sáng trong những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại lớn trong nước và khu vực như Amanoi Ninh Thuận, Lotte Hotel Hanoi, JW Marriott Hotel Hanoi, The Nam Hai Spa & Resort Quảng Nam, The Best Western Premier Indochine Palace Huế, Intercontinental Sun Peninsula Resort Đà Nẵng… Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của ngành xây dựng, CARA cũng gặp không ít khó khăn.

Doanh nghiệp phải tìm cách "nhảy đầm" trong bão - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Thống, Chủ tịch Công ty CARA Lighting

Bàn về sức mạnh tinh thần của doanh nhân thời đại dịch, biểu hiện rõ nhất là tâm trạng lo lắng, bất an, mông lung trước bức tranh kinh tế còn quá ảm đạm của toàn cầu… ông Thống cho biết: “Thời điểm này đi đâu cũng nghe mọi người lo lắng về kinh tế, có người lo lắng nền kinh tế suy sụp, lúc đó thì khó đứng dậy. Nhiều doanh nghiệp chết vì quá chủ quan, do kiếm tiền cực nhanh trong thời gian qua, không có sức đề kháng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nín thở qua sông. Bị khách hàng nợ nhưng đòi cũng kỳ mà không đòi thì cũng kẹt. Có doanh nghiệp chuẩn bị tinh thần cho kịch bản xấu nhất là mất hết, làm lại từ đầu!

Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp trụ vững, thậm chí còn tăng trưởng hơn thời kỳ trước. Nhiều ngành nghề giảm tăng trưởng nhưng không khó khăn lắm. Nhiều người vẫn không khó khăn nhờ tích lũy từ trước…

Nhiều bạn tôi là chủ đầu tư, họ hiện cũng rất nỗi niềm. Họ nhiều tuổi, bằng tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn tôi. Đa số là họ thành công ở một lãnh vực nào đó từ rất sớm. Rồi có vốn, có quan hệ... họ tham gia vào ngành bất động sản, xây dựng khách sạn, resort, khu đô thị… Họ không phải là dân địa ốc chuyên nghiệp, họ vừa học vừa làm.

Mỗi người một tính cách, nhưng đa số rất nhạy bén, sắc sảo, thông minh. Có người học đại học, cũng có người chỉ xong phổ thông, nhưng nhìn chung đời dạy họ rất nhiều. Nhìn bên ngoài họ hào nhoáng, đi xe rất sang, hút xì gà, vợ đẹp, con cũng đẹp (cả trai lẫn gái) ... nhưng thực ra họ rất vất vả, hàng ngày phải đối phó nhiều thứ. Chỉ một thời gian làm chủ đầu tư, tóc họ từ đen chuyển sang bạc.

Thời Covid-19 rảnh rang vì không có gì làm, thế là có dịp gặp vài bạn để tán dóc. Thật ngạc nhiên khi họ đều có nỗi niềm rất giống nhau, đều gặp vấn đề giống nhau liên quan đến quá trình xây dựng dự án. Môi trường đầu tư, kinh doanh bất động sản còn nhiều vấn đề nan giải, chưa kể đến dịch Covid-19 gây thêm quá áp lực nhất là về tinh thần.

Tuy nhiên, những ngày cách ly sẽ giúp mọi người có thì giờ động não, suy nghĩ, không phí thời gian. Chuẩn bị cho hậu Covid, các phương thức kinh doanh kiểu cũ sẽ phải thay đổi theo hướng hiệu quả hơn, có chiều sâu hơn. Các kiểu kinh doanh chụp giựt, đánh quả sẽ không tồn tại lâu. Mọi hình thức kinh doanh theo kiểu bắt chước, theo sau mà không có cái gì của riêng mình sẽ khó bền khi bão táp tới theo kiểu Covid-19 này.

CARA có khoảng 25 tuổi đời, từng trải qua nhiều cơn bão lớn, từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghiệm ra rằng khi mình đã xây dựng được nền tảng vững rồi, có thể tin sẽ vượt qua được trận bão Covid lần này. Sức mạnh tinh thần phải rèn luyện liên tục, vì thể chất mạnh mà tinh thần yếu thì cũng sụp đổ. Sức mạnh tinh thần mạnh hơn rất nhiều so với sức mạnh thể chất.

Tôi đi lính từ năm 18 tuổi, 23 tuổi đã chỉ huy cả đại đội, hồi trước tưởng xui mà giờ thấy may mắn, vì được trui rèn bản lĩnh vững vàng để sau này trở thành nhà lãnh đạo. Với người chỉ huy, nỗi lo lớn nhất là lính bị thương vong do mình quyết định sai.

Trong khủng hoảng này cũng vậy, mình buông bỏ dễ lắm, nhưng nhân viên thì sao, phải có trách nhiệm với đời sống của họ nữa. Anh Đỗ Long Chủ tịch Bitas’ cũng còn phải xuất tướng đi bán hàng, trực tiếp thoả thuận từng hợp đồng với khách chỉ vì lo cho lính thôi, chứ gia sản của anh ấy thì ba đời ăn không hết. Đó là nỗi lo lớn nhất.

Trước những bất trắc khôn lường của dịch bệnh, doanh nhân không thể không lo lắng được. Lo vu vơ gây bệnh cho mình thì không nên, nhưng lo cho lính chính là tạo ra động lực lớn cho mình. Rèn luyện tinh thần phải có ý chí rất lớn, ý chí đó phải được truyền đến cho nhân viên để họ có được sức mạnh đó, chứ không luồng tiêu cực nếu để nó tự nhiên lan truyền sẽ phá rất nhanh. Để nhân viên mạnh, phải tìm cách “nhảy đầm” trong bão.

Tôi rất vui vì trong công ty, mọi người có tinh thần rất tốt, tạo nên sức mạnh tập thể để đồng lòng vượt qua khó khăn. Khi tôi nói “Năm nay tạm thời không thưởng nhé”, mọi người hưởng ứng liền “không sao, sếp cứ để dành đó năm sau thưởng cũng được”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng lúc này phải “nín thở qua sông”, nhưng nếu bờ bên kia chẳng có gì đẹp đẽ thì nín thở vô ích. Hơn lúc nào hết chúng ta cần phải ý thức được tương lai của doanh nghiệp mình, và có chiến lược cụ thể cho từng thời kỳ.

Qua buổi toạ đàm này, khi nghe anh Lê Viết Hải phân tích về cơ hội để Việt Nam có thế bật sáng sau đại dịch, đó là niềm tin rất lớn giúp chúng ta có thêm động lực.

Trong tình thế này, ngành xây dựng nhiều nước rất khó khăn, ngành xây dựng Singapore hiện nay cực kỳ tan nát, các dự án đã ký nhà đầu tư muốn triển khai cũng không thể tìm ra nhân công, vì nhân công bị cách ly hết.

Ngành xây dựng Việt Nam vẫn còn cơ hội hơn nhiều nước khác. Đứng về phía doanh nghiệp, chúng ta thấy đáng để vượt qua cơn bão này, tự thay đổi để đón bắt cơ hội lớn.

Ở Việt Nam nhiều người có quan điểm tiết kiệm, nhưng tôi chủ trương lúc này Nhà nước, doanh nghiệp phải chi tiền ra để vận động tiêu dùng, vì nếu không chi tiêu thì nền kinh tế sẽ chết.

Giúp nhau thời Covid-19, thay vì thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu thì hãy tiêu xài nếu có điều kiện: đi ăn tiệm thay vì ăn ở nhà, mua áo quần mới, sửa nhà, đi chơi ...(tất nhiên là đeo khẩu trang, rửa tay), trả nợ cho đối tác để giúp họ tồn tại. Giúp người là giúp mình, chứ họ chết thì mình sống với ai.

Có nhiều người đoán rằng sau Covid-19, ngành nhà hàng sẽ xuống dốc, thay vào đó là dịch vụ giao hàng, take away. Thực tế, mọi người đến nhà hàng không phải để ăn mà tìm đến một không gian phù hợp mà ở nhà không có được. Bắt đầu có xu hướng chú ý hơn đến đầu tư không gian nhà hàng sao cho đẹp, sạch, cảm thấy an toàn hơn. Tôi rất vui nhiều người hiểu chiếu sáng đúng có thể góp phần làm điều đó.

Để đầu tư cho tương lai, chúng tôi mở những cuộc gặp gỡ giao lưu giữa sinh viên kiến trúc và doanh nghiệp, xây dựng Trung tâm C space - Interior Center, nơi quy tụ cộng đồng thiết kế, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng và hiệu quả cho các công ty thiết kế, nơi giới thiệu các loại vật liệu, công nghệ mới nhất…

Những hoạt động hữu ích này nhằm tạo môi trường cho nền kiến trúc hiện đại, truyền năng lượng tích cực cho sinh viên các trường tới tham khảo, để các em vững tâm học hành, tin vào tương lai của ngành kiến trúc. Ngược lại các em cũng truyền năng lượng tích cực cho chính mình để tươi trẻ hơn.

Những ngày vừa qua, CARA Lighting tràn ngập trong sự tươi trẻ và năng động của các bạn sinh viên - những kiến trúc sư tương lai của trường đại học Tôn Đức Thắng đến tham quan và trực tiếp trải nghiệm ánh sáng tại showroom CARA, cùng không gian vật liệu nội thất tại C Space. Đó chính là nỗ lực để góp phần phát triển ngành xây dựng tại Việt Nam trong tương lai”.

Doanh nghiệp phải tìm cách "nhảy đầm" trong bão - Ảnh 2.

Toạ đàm “Quản trị sức khoẻ tinh thần của doanh nhân thời đại dịch” tuần qua tại TP.HCM.

“Nhảy vào lửa” để tìm ra giải pháp

Nhấn mạnh tinh thần quyết tâm, sẵn sàng “nhảy vào lửa” để tìm ra giải pháp, ông Trần Ngọc Dũng, người sáng lập Bảo tàng nước mắm đầu tiên tại Việt Nam mang tên Làng Chài Xưa tại Phan Thiết cũng tỏ ra rất tâm đắc với ý kiến của ông Nguyễn Quốc Thống.

“Ngành du lịch đang hứng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong đại dịch, nhiều anh em trong ngành du lịch đã phải bán resort, nhà hàng hết rồi, mình chứng kiến hết. Nếu cạn kiệt nguồn vốn thì phải buông bỏ thôi, nhưng tôi vẫn tin dịch giữa 2021 có thể trở về bình thường.

Nhờ mô hình kinh doanh tối giản, dự án du lịch Làng Chài Xưa với Bảo tàng nước mắm và thương hiệu nước mắm Tĩn 300 năm vẫn duy trì được hoạt động tốt giữa đại dịch.

Tôi luôn tìm cách làm khác, khi bảo tàng không mở cửa được thì phải đưa sản phẩm nước mắm Tĩn lên online, Lazada, đưa vào các siêu thị, và mở rộng cửa hàng tại những thành phố lớn, hướng dẫn viên lên bán hàng qua mạng, đưa vào siêu thị… Chấp nhận lương có giảm, nhưng bảo đảm nhân viên không bị sa thải.

Tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch rất cao, phải ứng biến linh hoạt, đa năng, các bộ phận đều được chuyển đổi xoay vòng để học hỏi công việc lẫn nhau, sẵn sàng hỗ trợ nhau và sẵn sàng được điều động. Đơn cử, nhân viên ở các bộ phận như nhà hát, bảo tàng, nhà hàng, xưởng sản xuất, bán hàng, kế toán đều có khả năng giới thiệu sản phẩm nước mắm của làng nghề, đều được đào tạo trả lời qua điện thoại, tin nhắn facebook, zalo, website các yêu cầu của khách hàng.

Doanh nghiệp phải tìm cách "nhảy đầm" trong bão - Ảnh 3.

Ông Trần Ngọc Dũng, người sáng lập Bảo tàng nước mắm đầu tiên tại Việt Nam.

Vừa tham gia giảng dạy, đào tạo, quan sát các đồng nghiệp doanh nhân, tôi thấy sức khoẻ tinh thần dù ít dù nhiều đều bị stress, thể hiện qua ba biểu hiện: lo âu, buồn, bực. Muốn trị được ba triệu chứng đó của cảm xúc, mình phải truy về căn nguyên của nó. Lo âu hầu hết đều có nguyên nhân chính do nhu cầu bị ảnh hưởng. Lo âu lớn nhất của tôi lúc này là bảo đảm sinh tồn cho mọi người.

Còn buồn thì nguyên nhân chính là do bị cô lập, giải toả nó bằng cách kết nối qua những sự kiện online, tái kết nối bằng viết sách, đọc sách,… để chia sẻ với mọi người theo kiểu khác.

Mức độ thứ ba là bực, bực vì những gì chúng ta đặt ra không đạt được, bị phá vỡ. Giải pháp là mỗi doanh nghiệp buộc phải đặt lại mục tiêu, chuẩn bị vừa hết dịch để có doanh thu, bù lại những mất mát trước đó. Tinh thần doanh nghiệp là tiếp tục chiến đấu, tự điều chỉnh. Đây chính là thời điểm tốt nhất làm R&D, chúng tôi đã ra nhiều sản phẩm mới ngay trong đại dịch như nước mắm rong biển, nước mắm tôm biển…, doanh thu khá ổn định. Mục tiêu năm 2021 là bùng nổ về doanh số.

Phải “nhảy vào lửa” để tìm ra giải pháp, kết nối, tái kết nối, giảm mục tiêu… Đã là doanh nhân, buông bỏ hay quên đi nỗi buồn bực thì cuối cùng cũng trở lại với doanh số, với đời sống nhân viên. Phải đi thẳng vào tâm dịch để tìm ra giải pháp. Những khúc quanh này chính là lúc sàng lọc, xác định ai sẽ bay lên, ai sẽ rớt xuống. Phải tìm tòi, cần cù hơn nữa”.

Hãy tìm đến những nơi được hỗ trợ về tâm lý, họ sẽ giúp mình tìm ra yếu tố sinh bệnh

Dưới góc nhìn của một nhà tâm lý học, kết thúc buổi toạ đàm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Giảng viên khoa tâm lý Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP. HCM cho rằng mỗi doanh nhân phải có phương pháp khoa học để hiểu rõ mình hơn, từ đó mới có cách để trị stress, trầm cảm.

“Sức khoẻ tâm thần gồm có hướng nội và hướng ngoại. Nếu lo âu, stress không được giải quyết, kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm, khiến chúng ta chìm sâu vào sợ hãi. Có 5 giai đoạn bất cứ ai cũng phải đối mặt khi gặp khủng hoảng, đầu tiên là chối bỏ, sau đó là giận dữ, tiếp đến là mặc cả, trả giá và buồn.

Vòng tròn cảm xúc đó cứ quẩn quanh, quay đi quay lại, cuối cùng sẽ đi đến thái độ chấp nhận. Sau 6 tháng nếu stress cứ kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm. Trước Covid-19, tôi từng điều trị nhiều bệnh nhân ổn rồi, nhưng khi dịch xảy ra, có người đã uống thuốc tự sát.

Doanh nghiệp phải tìm cách "nhảy đầm" trong bão - Ảnh 4.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Giảng viên khoa tâm lý Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM .

Covid-19 là sự kiện, nhưng tạo ra sang chấn khác nhau với từng người tuỳ theo lịch sử bệnh tật của mỗi người.

Với thanh niên, trẻ nhỏ, biểu hiện tâm lý sang chấn dễ thấy là chống đối, thách thức người khác.

Với doanh nhân, khi lo âu, buồn bực, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra chất để tiến công hoặc bỏ trốn thực tại… Phải cố gắng tạo cho mình hóc môn hạnh phúc, nó được sản sinh trong cơ thể khi mình được khen ngợi, được ghi nhận, khi nghe nhạc, khi thiền, khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời... Sự kết nối cũng là cách để sản sinh hóc môn yêu thương…

Vài doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam, sau khi công ty rút khỏi Việt Nam, họ còn mua gói bảo hiểm sức khoẻ tâm thần cho các nhân viên bị sa thải. Khi công ty phá sản, họ mời chúng tôi cắm chốt ở công ty họ để đối thoại với nhân viên về những vấn nạn sẽ xảy ra khi cha mẹ thất nghiệp, con cái không được tiếp tục học ở những ngôi trường quốc tế như trước đây.

Tôi có một lời khuyên với các doanh nhân là khi bị stress, không thể giải toả được, hãy tìm đến những nơi được hỗ trợ về tâm lý, họ sẽ giúp mình tìm ra yếu tố sinh bệnh. Nghề của bác sĩ tâm lý là lắng nghe.

Trong khó khăn trùng điệp của dịch bệnh, mình cũng có nhu cầu chia sẻ, chính đó tạo năng lượng tích cực cho mình. Tôi thấy ai trong toạ đàm này cũng có niềm tin, nhờ đó chúng ta sẽ tìm thấy lối ra”.

Kim Yến
Cùng chuyên mục