Doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền: Không thể giải quyết bằng cơ chế

H.Anh Thứ bảy, ngày 21/10/2023 08:13 AM (GMT+7)
"Chuyện doanh nghiệp than thiếu vốn, ngân hàng lại kêu ế vốn phải đỏ mắt tìm doanh nghiệp không phải là chuyện mới. Giải quyết tình trạng này không phải bằng vấn đề cơ chế, mà là bài toán của thị trường".
Bình luận 0

Đó là thông điệp được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ tại hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên ngày 20/10.

Không còn than về lãi suất, doanh nghiệp "nhắc" chuyện vay tín chấp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cửu, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV 2/9 - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước với doanh số gần 7.000 tỷ đồng cũng cho hay, dư nợ vay của công ty ông niên vụ tài chính vừa qua là 5.300 tỷ đồng, song thời điểm hiện tại, chỉ còn 20 tỷ đồng, nguyên nhân là chưa đến mùa vụ cà phê.

Theo ông Cửu, năm 2022, lãi suất cho vay cao khiến chi phí lãi vay của công ty ông tăng từ 40 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay liên tục hạ và việc tiếp cận vốn cũng dễ thở hơn.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ còn khoảng 4,4%/năm, lãi suất cho vay tiền đồng khoảng 6-10% tùy từng lĩnh vực, ngành nghề.

Các doanh nghiệp cho rằng, lãi suất không còn là vấn đề lớn, điều doanh nghiệp mong chờ nhất hiện nay là mặt bằng lãi suất thấp được duy trì ổn định lâu dài, đồng thời mong muốn ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp.

Doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền: Không thể giải quyết bằng cơ chế - Ảnh 1.

Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên ngày 20/10.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó giám đốc Công ty Xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với khó khăn do không đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua, dẫn tới tình trạng bị ép giá. Việc vay vốn thế chấp bằng bất động sản khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ vay được số tiền hạn chế trong khi việc thu mua cà phê vào vụ lại rất khẩn trương.

"25 năm qua trong quan hệ tín dụng ngân hàng chúng tôi luôn làm tốt vai trò và trách nhiệm trong việc vay vốn tín dụng. Những đến nay chúng tôi vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng, chỉ duy nhất 1 phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức, thật sự là không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Cần có chính sách cấp tín dụng phù hợp theo ngành nghề. Đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh vào vụ mùa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nhà nước", bà Lan Anh cho hay.

Đồng tình, ông Tạ Quang Phú, Giám đốc Công ty TNHH Quang Triệu (Đắk Nông) cho biết, hiện các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh này đang gặp khó khăn về nguồn vốn vì giá cà phê tăng cao đột biến trong khi doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp. Ông Phú cũng kỳ vọng ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam, chuyên sản xuất và cung ứng hoa cho thị trường Nhật Bản thì cho rằng, khó khăn chính về tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Lâm Đồng là do khả năng tài chính, khả năng trả nợ thấp. Ngoài ra, với doanh nghiệp sản xuất hoa công nghệ cao, giá trị tài sản trên đất rất lớn (nhà kính) song lại chưa được ngân hàng tính làm tài sản thế chấp. Ngoài ra, chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp khiến doanh nghiệp bất an trong quá trình sản xuất.

Vì vậy, bà Trâm đề nghị các bộ, ngành cần có chương trình bảo hiểm nông nghiệp để giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đồng thời các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn về ghi nhận tài sản trên đất để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền: Không thể giải quyết bằng cơ chế

Về phía ngân hàng, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng rất thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ngân hàng yên tâm cho vay tín chấp, doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường công khai, minh bạch tài chính.

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng đề nghị, doanh nghiệp để tạo niềm tin cho ngân hàng cần đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tích cực chuyển đổi số… để tăng khả năng tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền: Không thể giải quyết bằng cơ chế - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Liên quan đến câu chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, cung ứng vốn cho nền kinh tế là vấn đề lớn, luôn được NHNN chú trọng. Từ đầu năm đến nay, trong điều kiện nền kinh tế hết sức khó khăn, NHNN đã đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tín cho doanh nghiệp; đảm bảo duy trì thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng; nhiều lần hạ lãi suất điều hành; hoàn thiện hành lang pháp lý, cho phép ngân hàng cho vay online, cho phép doanh nghiệp được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác…

Đến thời điểm này, tín dụng chỉ tăng trưởng 7%, thấp hơn mức 10% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất rẻ nữa cũng không vay vì vay không để làm gì.

"Chuyện doanh nghiệp than thiếu vốn, ngân hàng lại kêu ế vốn phải đỏ mắt tìm doanh nghiệp không phải là chuyện mới. Giải quyết tình trạng này không phải bằng vấn đề cơ chế, mà là bài toán của thị trường. Ngân hàng thắt điều kiện vay quá chặt, doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn thì buộc phải xem xét, song nếu ngân hàng cho vay ào ào", cho vay dễ dãi cũng sẽ nảy sinh ra nhiều hệ lụy. Việc một số ngân hàng bị rơi vào tình trạng giám sát đặc biệt thời gian qua chính là bài học cho thấy luôn phải nâng cao công tác quản trị rủi ro trong quá trình cho vay", Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Cũng theo Phó Thống đốc, từ đầu năm 2023, NHNN đã tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp như hạ lãi suất điều hành, qua đó tác động giá vốn của ngân hàng thương mại, chỉ đạo ngân hàng thương mại giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn không trả được nợ. Những chính sách này được đánh giá có hiệu quả và thiết thực cho doanh nghiệp.

NHNN cũng đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ cho vay thuận tiện, chẳng hạn như cho vay online, huy động online. Những việc này trước đây các ngân hàng thương mại không dám làm, nhưng nay đã hoàn thiện pháp lý cho phép triển khai.

Khẳng định mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng, Phó Thống đốc nói: "Không có doanh nghiệp thì ngân hàng sống với ai? Ngân hàng không cho vay thì lấy đâu doanh số, lợi nhuận? Nên bằng mọi cách phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp."

Bên cạnh đó, NHNN cũng nghiêm cấm bắt ép khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân, bởi đây là vi phạm quy định về kinh doanh bảo hiểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem