Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Điều hành lãi suất 'nóng vội' có thể dẫn đến những tác động thái quá

19/09/2023 14:35 GMT+7
Việc điều hành lãi suất cần phải thận trọng, nếu như mà quyết liệt quá hay nóng vội quá có thể dẫn đến một thời điểm nào đó có thể tác động đến nền kinh tế thái quá và lúc đó lại phải cần chi phí để xử lý hiện tượng thái quá đó.

Đó là ý kiến được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023.

Lo tỷ giá bùng nếu lãi suất giảm thấp

Phó Thống đốc cho biết, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng và chắc chắn theo hướng thực mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra, ổn định vĩ mô và tôn trọng các nguyên tắc của thị trường trong quá trình điều hành. Từ đó, tạo sự cạnh tranh và đảm bảo sự phấn đấu cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Điều hành lãi suất 'nóng vội' có thể đến những tác động thái quá - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú. (Ảnh: VGP)

Riêng về lãi suất, ông Tú thẳng thắn thừa nhận, điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ. Căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.

Từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã 11 lần điều chỉnh tăng lãi suất và đang duy trì mức 5,5%, cao nhất trong 40 năm qua. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cách đây một tuần cũng đã tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023 và duy trì mức lãi suất 4,5%, mức cao nhất kể từ khi ECB được thành lập. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trong nước đang có xu hướng giảm dần.

Hiện lãi suất cho vay bình quân khoảng 7,9%/năm đối với cho vay mới, lãi suất huy động là 4,7%/năm. Với các món vay chưa đến kỳ hạn trả nợ thì lãi suất cho vay là 9,4%/năm, lãi suất huy động cũ là 6,5%/năm. Việc giảm lãi suất cũng phải từng bước và chắc chắn có độ trễ bởi vì có những khoản cho vay 1 - 2 năm mới thu nợ hay những khoản tiền gửi vài năm mới đáo hạn.

Hạ lãi suất là yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ông lưu ý thay đổi lãi suất có độ trễ. Chính vì vậy, nếu điều hành lãi suất không thận trọng, quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể đến thời điểm nào đó nền kinh tế bị tác động thái quá, lúc đó có thể dẫn đến chi phí cho việc xử lý việc thái quá.

Phó Thống đốc cũng cho biết, trong các báo cáo của tổ chức trong nước và quốc tế đều có chung quan điểm cho rằng, không còn nhiều dư địa chính sách tiền tệ. Do đó, chính sách lãi suất trong thời gian tới không thể nói là sẽ tiếp tục giảm.

"Chính sách lãi suất có quan hệ biện chứng tới tỷ giá, nếu lãi suất thấp tỷ giá khả năng bùng lên. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý", Phó Thống đốc phân tích thêm.

Ông cho rằng, việc điều hành tỷ giá thời gian qua là thành công trong điều hành của NHNN. Từ đầu năm đến nay, VND giảm giám 1,8% - 2%, trong khi đó đồng tiền của những nước lớn đang mất giá từ 9 đến 10%, đồng yen Nhật còn mất giá tới 15% so với USD.

Thời gian tới, NHNN sẽ điều hành lãi suất hợp lý trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận bình quân, lợi nhuận của nền kinh tế, lợi nhuận hợp lý và đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTCD và an toàn nền tài chính quốc gia.

Không được lạm dụng khi dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều

Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, chính sách tiền tệ có những giới hạn, càng không được lạm dụng khi dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều, nhất là khi mặt bằng lãi suất không còn là cứu cánh cho doanh nghiệp đã không còn đủ sức khỏe và không có nhu cầu vay vốn đầu tư do không tìm được thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh. Điều này đòi hỏi phải chuyển hướng tập trung ưu tiên chính sách tài khóa, kết hợp triển khai chính sách tiền tệ và tài khóa một cách đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, để hướng dòng vốn vào những công trình hạ tầng lớn, những chương trình mục tiêu quốc gia, những ngành, lĩnh vực có khả năng sớm phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Điều hành lãi suất 'nóng vội' có thể đến những tác động thái quá - Ảnh 2.

Toàn cảnh chuyên đề. (Ảnh: QH)

Tại Diễn đàn, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng đưa ra lưu ý đối với nhà quản lý tiền tệ. Theo ông Jochen Schmittmann, NHNN phải hết sức cẩn trọng về các chính sách tài chính, về các vấn đề lãi suất, thị trường liên ngân hàng…

Ông Jochen Schmittmann cho biết, cần tăng cường thực thi chính sách, giải quyết điểm nghẽn đầu tư công, đặc biệt sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần tìm lại niềm tin của nhà đầu tư cả nước ngoài lẫn trong nước vào Việt Nam; tăng cường các cơ chế tái cơ cấu doanh nghiệp; xây dựng khuôn khổ thanh lý doanh nghiệp; các biện pháp giải quyết nợ mà không cần qua Tòa án, có các biện pháp thanh lý nợ hợp lý.

Điều quan trọng tiếp theo là phải có pháp luật ổn định, nhất quán liên quan đến đầu tư; để bảm đảm niềm tin cho các doanh nghiệp thì cần đầu tư vào điện, cơ sở hạ thầng, giảm thuế, chi phí doanh nghiệp… Ngoài ra, cần thêm các nỗ lực để tăng cường khả năng quản trị, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo sự chắc chắn của pháp luật.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục