Doanh nghiệp vẫn còn ngần ngại khi triển khai hóa đơn điện tử
Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của chính phủ ban hành đã đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử trong vòng 24 tháng. Theo đó, chậm nhất là ngày 1/11/2020 các doanh nghiệp phải hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng từ hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử.
Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển bảo quản hóa đơn, giảm thiểu các thủ tục hành chính, nâng cao an toàn và tính bảo mật khi sử dụng hóa đơn bán hàng và cung cấp dịch vụ.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Trao đổi tại Diễn đàn “Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử”, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, việc áp dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu khi doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.
“Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian (giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn)...”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách – Tổng cục Thuế, mặc dù gần một năm Nghị định 119 có hiệu lực nhưng tính đến tháng 7/2019, chỉ có 279 doanh nghiệp đã đăng ký phát hành hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế (Hà Nội có 128 doanh nghiệp, TP. HCM có 118 doanh nghiệp, Đà Nẵng có 33 doanh nghiệp). Trong đó, số lượng doanh nghiệp đã xuất hóa đơn điện tử có mã là 255 (Hà Nội có 107 doanh nghiệp đã xuất hóa đơn, tại TP. HCM có 117 doanh nghiệp và tại Đà Nẵng là 31 doanh nghiệp).
Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng hóa đơn điện tử do gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai hóa đơn điện tử do chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về Nghị định 119.
Ông Nguyễn Khơ Din – Tổng thư ký CLB chữ ký số và giao dịch điện tử Thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chia sẻ, điều này đang tạo ra những “khoảng trống” quy định và đánh giá các đơn vị triển khai, quy định về ngày ký, ngày lập hóa đơn chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cho các loại hóa đơn đặc biệt. Bên cạnh đó, ông Din cho rằng, các doanh nghiệp còn đang gặp phải vướng mắc trong hoạt động triển khai chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp như thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường.
Hóa đơn điện tử là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp giảm thiểu được nhiều thủ tục rườm rà. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp phải vướng mắc khi chưa đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật công ghệ thông tin – viễn thông phục vụ cho việc triển khai hóa đơn điện tử.
Ông Nguyễn Tương – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, trong số 400 hội viên kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam, có 67% là doanh nghiệp vừa và nhỏ có khó khăn về nguồn vốn, quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ, nên sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai hóa đơn điện tử.
Trao đổi về những khó khăn, ông Tương cũng chia sẻ thêm, “Khi phát hành hóa đơn điện tử lưu trong máy, nhưng sửa đổi vẫn phải in ra giấy, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, các cơ quan quản lý cần thống nhất cách thực hiện. Mỗi lần gia nhận có một khách hàng, một khách hàng có nhiều lần giao nhận nên có nhiều mã khác nhau, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi khai các mã số”.
Bà Nguyễn Thị Thu – Trưởng phòng Quản lý phần mềm – Cục Công nghệ Thông tin, Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế dự kiến sẽ ban hành những quy định cụ thể về mặt kỹ thuật, các giao thức kết nối trong phát hành hóa đơn điện tử để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử nắm được, đảm bảo việc trao đổi, sử dụng dữ liệu được chuẩn hóa.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai hóa đơn điện tử, TS Vũ Tiến Lộc cũng kiến nghị “Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành lang pháp lý và lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử, để các doanh nghiệp hiểu rõ được những lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và triển khai thực hiện sớm loại hình dịch vụ này”.