Doanh nghiệp vẫn than “khát” vốn

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 25/12/2022 15:33 PM (GMT+7)
Dù Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng thêm 1,5-2% nhưng nhìn chung các doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn này, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, DN bất động sản và cả người mua nhà.
Bình luận 0
Doanh nghiệp vẫn than “khát” vốn - Ảnh 1.

Nhiều DN ngành thực phẩm cũng than khó tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất dịp cuối năm. Ảnh: Vĩnh Thành Đạt

Nhiều doanh nghiệp vẫn "khát" vốn

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Vĩnh Thành Đạt, cho hay, DN của ông hiện vẫn duy trì các mức tín dụng cũ, còn với nhu cầu tín dụng mới thì thực sự rất khó tiếp cận, vì room tín dụng các ngân hàng hiện đã hết, rất khó.

"Cách đây mới hôm, tôi thấy cũng đang còn khó khăn, để xem vài hôm nữa thế nào. Mặc dù truyền thông đã đưa tin nới room rầm rộ nhưng hình như chưa triển khai tới các ngân hàng", ông Thiện nói thêm.

Ông Lê Quyết Tâm, CEO Công ty CP Trà Cà phê An Nhiên, nhà sáng lập thương hiệu Anni Coffee, chia sẻ, hiện nay rất khó tiếp cận về vốn với các DN vừa và nhỏ.

"DN mình có nhu cầu khá nhiều nhưng các NH đòi hỏi rất khắt khe về tài sản đảm bảo nên cũng rất khó", ông Tâm nói.

Doanh nghiệp sản xuất đã khó, các DN thuộc ngành bất động sản càng khó khăn hơn. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ngày 12/12, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng thêm 1,5-2%. Sau đó 2 ngày, Chính phủ cũng có công điện chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện.

Tuy nhiên, đến nay chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay vốn ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng.

Chẳng hạn, doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp do đã hết tài sản bảo đảm, nhưng ngân hàng không đồng ý vì không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu.

Doanh nghiệp vẫn than “khát” vốn - Ảnh 2.

Các DN ngành dệt may cũng khó tiếp cận vốn vay, trong khi đơn hàng cuối năm cũng khó khăn. Ảnh: Quốc Hải

Trong trường hợp khác, doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới dù có tài sản bảo đảm cũng không được ngân hàng chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, 3) chưa thanh toán.

HoREA cho rằng nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng dìu nhau vượt qua khó khăn.

"Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét không nên giữ nguyên chuẩn tín dụng trong tình thế bất thường hiện nay mà nên nới một chút, nhưng vẫn không phải là hạ thấp chuẩn so với bình thường trước đây", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng chỉ đạo trực tiếp các ngân hàng xử lý, tháo gỡ

Liên quan đến việc tiếp cận vốn tín dụng từ các DN còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, khẳng định, phía NHNN vẫn liên tục đưa ra các chỉ đạo cho các NHTM tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn nay, đáp ứng nhu cầu vốn để sản xuất, dịch vụ.

Đặc biệt, NHNN cùng với các NHTM thường xuyên họp khoảng 1 tháng/lần với Hiệp hội Doanh nghiệp, Sở Công Thương, các sở, ngành để phối hợp để nắm các khó khăn vướng mắc của DN và tháo gỡ trực tiếp, nhận những thông tin từ doanh nghiệp và trực tiếp xử lý những khó khăn này.

"Nếu DN phản ánh trực tiếp thì phải nêu rõ cụ thể đang vay vốn ngân hàng nào, và khó như thế nào để NHNN chi nhánh TP.HCM chỉ đạo trực tiếp các ngân hàng xử lý, tháo gỡ", ông Lệnh nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đề nghị các DN gửi thông tin trực tiếp về Sở Công Thương hoặc NHNN chi nhánh TP.HCM, hoặc gửi trực tiếp cho các Hiệp hội ngành nghề mà họ trực thuộc để kiến nghị này "tới tay" NHNN chi nhánh TP.HCM.

"Hiện nay các DN đều có các Hiệp hội ngành nghề, DN thuộc ngành cao su thì có Hiệp hội Cao su Việt Nam, DN thuộc ngành gỗ thì có Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, DN thuộc ngành lương thực thì có Hội Lương thực - Thực phẩm… Hoặc nếu DN đang ở quận, huyện nào thì gửi thông tin cho phòng Kinh tế quận, huyện đó thì những thông tin này sẽ được chuyển đến NHNN chi nhánh TP.HCM để giải quyết, xử lý", ông Lệnh chia sẻ.

Doanh nghiệp vẫn than “khát” vốn - Ảnh 4.

HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp.

Ở khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đề xuất, hiện nay do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng nên các ngân hàng thương mại không dám cho vay đối với một số trường hợp.

Do đó, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp  trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (thuộc nhóm 2 và 3) chưa thanh toán.

"Các chính sách ngắn hạn này được đề xuất áp dụng đến hết năm 2023 để hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp và người mua nhà, với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay", ông Châu khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem