Doanh nghiệp vẫn vướng “ma trận” thủ tục hành chính
Cần mạnh dạn thí điểm cơ chế “giấy phép im lặng”
Sáng 23/5, phát biểu tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đã góp ý về các chính sách để tạo chuyển biến tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân.
Đại biểu So cho rằng, cần phải có một cuộc “đại phẫu” thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán rõ ràng cho từng bộ ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính cụ thể theo từng lĩnh vực quản lý, có cam kết, có giám sát và có chế tài.

Theo vị đại biểu, thực tế hiện nay, dù có năng lực, sản phẩm và thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn bị vướng vào “ma trận” thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cơ quan quản lý khiến chi phí gia nhập thị trường tăng cao, cơ hội bị bỏ lỡ và niềm tin nhà đầu tư bị bào mòn.
Ông lấy ví dụ trong lĩnh vực logistics, để mở một trung tâm phân phối tích hợp vận tải đa phương thức, doanh nghiệp phải xin hàng chục loại giấy phép từ các cấp, mỗi nơi một yêu cầu, một quy trình, không kết nối, không liên thông.
“Nhiều doanh nghiệp mất cả năm để hoàn tất thủ tục, trong khi đối thủ nước ngoài đã vào cuộc, chiếm lĩnh thị phần. Nếu cứ tiếp tục cải cách theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”, chúng ta sẽ mãi tụt hậu trên chính sân nhà”, ông So nói.
Đại biểu So nhấn mạnh việc đã từng có Khoán 10 làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhờ dám trao quyền, cắt rào cản đúng chỗ. Giờ đây, nền kinh tế cần một “Khoán 10 mới” cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể.
“Cần mạnh dạn thí điểm cơ chế “giấy phép im lặng”, nếu cơ quan Nhà nước không phản hồi trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai. Áp dụng trước cho các thủ tục có tính chất phê duyệt rõ ràng như đăng ký kinh doanh có điều kiện, cấp phép xây dựng và chứng nhận đầu tư cho dự án quy mô nhỏ… nhằm thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy từ “xin - cho” sang “cam kết - chịu trách nhiệm”, ông So đề xuất.
Nói về chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, ông So cho rằng nên nghiên cứu, bổ sung trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung lần này bằng việc quy định 1 điều về nguyên tắc xử lý đối với hành vi vi phạm quan hệ dân sự, kinh tế. Theo đó, chỉ xử lý hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, có lỗi cố ý rõ ràng và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ưu tiên cơ chế trọng tài, hòa giải.
“Chỉ khi ấy, khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự được giải phóng để trở thành trụ cột, chứ không còn phải “đi đường dài với đôi chân trần” giữa mê cung thủ tục”, ông So nói.
Cần giải phóng 5,9 triệu tỉ từ hơn 2.200 dự án bất động sản đình trệ
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Theo ông Cường, tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2025 là mục tiêu ngắn hạn nên không thể tìm các động lực mới mà phải dựa vào những động lực hiện hữu.
Đại biểu đề xuất 7 giải pháp trọng tâm, cấp bách nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8% trong năm 2025, trong đó có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt là tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Cường, muốn thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhà nước không chỉ chú trọng vào đầu tư công, mà còn phải khuyến khích đầu tư khối tư nhân.
“Về nguyên tắc tăng trưởng kinh tế bằng vốn và lao động, cái gì hút vốn nhiều thì nó sẽ tăng trưởng rất nhanh”, đại biểu đoàn Hà Nội phân tích và chỉ rõ nếu bất động sản cứ đổ nhiều vốn vào thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng rất nhanh.
Theo đại biểu, Trung Quốc vào thời kỳ tăng trưởng hai con số đều do bất động sản, gọi là tăng trưởng nóng. Trong giai đoạn 2025-2026, Việt Nam nên chấp nhận tăng trưởng nóng thông qua phát triển bất động sản.
Đại biểu lý giải hiện nay thị trường bất động sản nước ta đang trong giai đoạn thiếu nguồn cung do những vướng mắc từ dự án đủ điều kiện khởi công. Thị trường đang có sức cầu rất lớn nên giá bất động sản tăng cao do khan hiếm nguồn cung không phải là “bong bóng”.
“Nếu chúng ta nới rộng sự phát triển của thị trường bất động sản thì nó sẽ cân bằng được nguồn cung, không sợ tình trạng tăng trưởng nóng, dư thừa hàng hoá, tồn kho như của Trung Quốc. Vì vậy chúng ta cần khuyến khích tăng trưởng bất động sản trong giai đoạn này”, đại biểu nói.
Theo thống kê của Bộ Tài chính thì cả nước có 2.212 dự án đang triển khai phải dừng lại do gặp vướng mắc với tổng vốn đầu tư gần 6 triệu tỷ đồng, sử dụng gần 350 nghìn ha đất.
Hiện Nghị quyết số 170 đã cho phép tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản tại TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, nhưng chưa cho phép áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác.
Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cơ chế xử lý các vướng mắc này này được áp dụng rộng rãi cho các dự án bất động sản ở các địa phương khác để giải phóng được nguồn lực này. Nếu như vậy sẽ đóng góp vào tăng trưởng rất lớn.