Doanh nghiệp Việt thời 4.0: Mới chỉ là những bình luận và "like" trên mạng
Đây là khẳng định của PGS. TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và kinh tế (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo ông Thành, Cách mạng 4.0 mới chỉ ở giai đoạn ngưỡng cửa của Việt Nam mà thôi, chưa có nhiều giá trị thực sự được tạo ra trên đất nước và mở ra nhiều kỳ vọng. Chúng ta chưa vào được Cách mạng 4.0, chỉ những người cấp tiến bước vào thôi nhưng số đó là rất nhỏ.
"Cần đưa đất nước bước qua ngưỡng cửa ấy để tăng trưởng vượt lên; cúi đầu trước máy móc hay công nghệ, đi làm thuê hay phụ thuộc các nước khác là những điều mà chúng ta không muốn chút nào cho thế hệ mai sau", TS Thành nói.
Nói thêm về bối cảnh kinh tế quốc tế đang diễn ra hiện nay, ông Thành cho rằng "thương chiến" Mỹ - Trung Quốc đẩy nhiều doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc, né rủi ro.. đây là phép thử cho Việt Nam.
Ông này cho rằng, doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc hiện nay như một thực tế năm 1980 hàng loạt doanh nghiệp rời bỏ khỏi Nhật Bản khi chiến tranh thương mại Mỹ - Nhật diễn ra. Khi ấy, sự di chuyển của doanh nghiệp khỏi Nhật, sang các nền kinh tế Đông Nam Á đã đóng góp cho sự thịnh vượng của một số nước Singapore, Thái Lan trở thành những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ...
Ông Thành cho rằng, hiện Việt Nam là "cây cầu" để nối doanh nghiệp từ Trung Quốc với ASEAN và thế giới; địa thế kinh tế - chính trị của Việt Nam cũng rất quan trọng đối với kinh tế toàn cầu thời đại mới.
"Tôi gặp và nói chuyện với Đại sứ Nhật, ông có nói hiện có 20.000 doanh nghiệp Nhật ở Trung Quốc đang tìm hướng đi khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta có tiếp cận được không là điều hoàn toàn khác. Cơ hội chỉ có được khi Việt Nam xây dựng được cơ sở hạ tầng, con người, có chính sách và kỹ thuật tốt", ông Thành nói.
Theo Viện trưởng Viện VEPR, con người Việt hiện tại và trong tương lai có thể làm chủ được máy móc. Đây là điều hoàn toàn có thể với tố chất của người Việt. Nhiều người có thể nghe câu này hơi văn chương, nhưng giữa khuynh hướng chủ động và thụ động trong cách mạng công nghệ 4.0, khuynh hướng chủ động về kỹ thuật số là không thấp. Đi làm thuê, phụ thuộc máy móc là không tốt đẹp gì cho con cháu chúng ta.
"Chúng ta là nước có xuất khẩu lao động lớn ở ASEAN, vượt cả Thái Lan, Malaysai và Indonesia, điều này thấy rõ là Việt Nam có lao động trẻ, dồi dào và ham học hỏi. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh lao động của Việt Nam cực kỳ thiếu kỹ năng, phải đi làm thuê nhiều".
Ông Thành khẳng định: "Chúng ta cần có pháp lý, để có động lực tốt hơn để tạo ra giá trị gia tăng ngay tại đất nước. Tôi cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ là đũa thần để cho Việt Nam thịnh vượng. Chúng ta cần tạo ra tầng lớp sống nhờ trí tuệ và sáng tạo, đảm bảo lợi ích và giá trị cho tầng lớp nghiên cứu, sáng tạo sống được".
"Quan điểm của tôi cho rằng, nhờ Luật Sở hữu trí tuệ ra đời mà giới sáng tạo mới có đất sống. Đây là giá trị làm nên sự thịnh vượng của các nước Mỹ, Nhât và EU tạo ra giá trị cho đất nước mình", PGS, TS Nguyễn Đức Thành nói.
Viện trưởng VEPR khái quát: Chúng ta phải quan tâm đến cải tạo, đổi mới giáo dục. Đây là chìa khóa để giúp đất nước thịnh vượng. Giáo dục của Việt Nam mới chỉ ở Cách mạng lần thứ 2, mang nặng kỹ thuật, lý thuyết, phải cải cách mạng về sách giáo khoa, xóa bỏ độc quyền tư duy, giáo dục.