Đôi điều về Dịch vụ Helios, "ông chủ" bí ẩn tại Eximbank

18/02/2022 17:31 GMT+7
Tại thời điểm cuối năm 2016, tổng tài sản Dịch vụ Helios đạt 393,8 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 98,1 tỷ đồng và nợ phải trả còn 295,7 tỷ đồng. Thế nhưng, những chỉ số này nhanh chóng "nở rộng" trong khoảng thời gian sau đó.

CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios, cổ đông đang nắm giữ 6,92% vốn điều lệ Bamboo Capital (HOSE: BCG) đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư những ngày qua, sau khi đưa thành công ông Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1978), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc BCG vào HĐQT Ngân hàng Eximbank (HOSE: EIB).

Chưa có nhiều thông tin cho biết Dịch vụ Helios đầu tư EIB từ thời điểm nào. Tuy nhiên, thời điểm 2019, Dịch vụ Helios thông báo đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất năm đầu tiên là 8,5%/năm.

Đơn vị đứng ra thu xếp vốn cho Helios là Công ty Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) - một thế lực khác tại thượng tầng Eximbank. Phải chăng, đây chính là thời điểm Dịch vụ Helios bắt đầu góp sức mình vào quá trình cơ cấu nội bộ EIB thời gian qua.

Tiền thân của Dịch vụ Helios là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hợp Điểm, được thành lập ngày 22/3/2012. Cổ đông sáng lập có sự góp mặt của ông Nguyễn Hồ Nam và Công ty Cổ phần Bamboo Capital.

Theo công bố tại tháng 6/2021, vốn điều lệ Dịch vụ Helios đạt 2.000 tỷ đồng. Người đại diện kiêm tổng giám đốc của Helios là bà Phạm Thị Ngọc Thanh (SN 1987).

Đáng nói, tại lần tăng vốn điều lệ này, cơ cấu cổ đông Dịch vụ Helios không được tiết lộ. Song, trong đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ hồi tháng 9/2021, trái phiếu của Dịch vụ Helios được bảo đảm bằng toàn bộ 134.455.900 cổ phần thuộc sở hữu các cổ đông.

Trong đó, bà Phạm Thị Ngọc Thanh 94.955.900 cổ phần; bà Hồ Thị Thùy Dung 21.488.000 cổ phần; 17.800.000 cổ phần bà Trần Thị Kiều Tiên và 252.000 cổ phần thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thanh Hùng.

Đôi điều về Dịch vụ Helios, "tay chơi" bí ẩn tại Eximbank - Ảnh 2.

Doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng, song khoản lãi vài trăm triệu đồng đặt ra câu hỏi về năng lực quản trị chi phí, hoặc doanh nghiệp đã chủ động trong quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập?

Tại thời điểm cuối năm 2016, tổng tài sản Dịch vụ Helios đạt 393,8 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 98,1 tỷ đồng và nợ phải trả còn 295,7 tỷ đồng. Thế nhưng, những chỉ số này nhanh chóng "nở rộng" trong khoảng thời gian sau đó.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Dịch vụ Helios đạt 4.431 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 4.000 tỷ đồng sau 5 năm.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Dịch vụ Helios "phình to" lên 3.108 tỷ đồng, chiếm 70% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.

Cùng giai đoạn 2016 - 2020, Dịch vụ Helios ghi nhận gần 680 tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, số lợi nhuận đưa về trên sổ sách lại rất mỏng khi chưa đạt nổi 3 tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực quản trị chi phí, hoặc doanh nghiệp đã chủ động trong quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập?

Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của Bamboo Capital ghi nhận nhiều giao dịch phải thu liên quan đến Dịch vụ Helios.

Cụ thể, danh mục phải thu khách hàng ngắn hạn của BCG ghi nhận 4,2 tỷ đồng từ Dịch vụ Helios. Ngoài ra, BCG cũng phát sinh khoản phải thu khác có giá trị 355,4 tỷ đồng từ bà Trần Thị Kiều Tiên - cổ đông Dịch vụ Helios.

Ở danh mục phảu thu dài hạn khác, số tiền Dịch vụ Helios phải trả cho BCG là 120 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với con số đầu năm. Chưa kể, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios còn 40 tỷ đồng tại khoản mục ngiười mua trả tiền trước dài hạn với BCG.

Ở diễn biến liên quan, Công ty Cổ phần Thắng Phương - nơi bà Phạm Thị Ngọc Thanh đang nắm giữ 24,6% vốn điều lệ (tháng 9/2017) thậm chí có kết quả kinh doanh bết bát hơn, khi liên tục thua lỗ và ghi nhận khoản âm vốn chủ sở hữu lên đến hơn 300 tỷ đồng.

Đôi điều về Dịch vụ Helios, "tay chơi" bí ẩn tại Eximbank - Ảnh 3.

Nợ phải trả lớn hơn cả Tổng tài sản của Thắng Phương, tính đến cuối năm 2020.

Cụ thể, năm 2016, doanh thu Thắng Phương đạt 45,8 tỷ đồng; giảm xuống 35,1 tỷ đồng năm 2017; 8,7 tỷ đồng năm 2018; trước khi tăng trở lại 13,1 tỷ đồng năm 2019 và đạt đỉnh 78,2 tỷ đồng năm 2020.

Doanh thu thấp, khiến Thắng Phương liên tiếp thua lỗ trong khoảng thời gian từ 2016 - 2020. Cá biệt, năm 2018, doanh nghiệp này lỗ sau thuế đến 320 tỷ đồng.

Việc "lỗ chồng lỗ" trong thời gian dài dẫn đến Thắng Phương âm vốn chủ sở hữu 304 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2020).

Đáng nói hơn, tương tự như Dịch vụ Helios, Công ty Cổ phần Thắng Phương cũng đang ghi nhận "núi nợ khổng lồ" lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.


Q.D
Cùng chuyên mục