dd/mm/yyyy

Đổi thay ở xã vùng cao Phiêng Cằm

Từ nguồn vốn các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống của người dân xã vùng cao Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn (Sơn La) đang khởi sắc.

Clip: Đổi thay ở xã vùng cao Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn (Sơn La).

Phiêng Cằm là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, có tổng diện tích tự nhiên hơn 15.200 ha, cách trung tâm huyện 86km; gồm 23 bản, với 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống.

Đổi thay ở xã vùng cao Phiêng Cằm - Ảnh 2.

Một góc xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn hôm nay. Ảnh: Mùa Xuân.

Trước đây, tuyến đường vào trung tâm xã chưa được nhựa hóa, bà con gặp nhiều khó khăn khi đi lại, giao thương hàng hóa nông sản. Người dân chỉ quen trồng cây ngô, cây sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, nên thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Với sự hỗ trợ của nhà nước, xã Phiêng Cằm đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã có 30 ha trồng lúa ruộng, được gieo cấy bằng các giống lúa mới có năng suất cao hơn, tạo nguồn lương thực ổn định.

Đổi thay ở xã vùng cao Phiêng Cằm - Ảnh 3.

Tuyến đường tỉnh lộ 113 đã được nhựa hóa khang trang, giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận tiện hơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Đến nay, người dân xã Phiêng Cằm đã chuyển đổi hơn 460 ha đất nương kém hiệu quả sang trồng cây cà phê, trong đó gần 370 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 4.000 tấn/năm; duy trì 20 ha chè đặc sản Phiêng Cằm. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về trồng cây ăn quả trên đất dốc, xã vận động người dân trồng được hơn 200 ha cây ăn quả các loại như: mận, xoài, nhãn, bưởi...

Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, người dân nuôi trâu, bò nhốt xa nhà để không ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe; duy trì ổn định đàn gia súc trên 5.000 con và hơn 55.200 con gia cầm. Trồng gần 50 ha cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Đổi thay ở xã vùng cao Phiêng Cằm - Ảnh 4.

Nông dân xã Phiêng Cằm thu hái chè. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lò Văn Phúc, dân tộc Thái, bản Nong Tầu Thái, chia sẻ: Hiện gia đình tôi đang nhận chăm sóc 1,3 ha chè Đài Loan, Bát Tiên, Ô Long, chè Kim Tuyên. Trung bình mỗi năm tính cả tiền hái và công chăm sóc, gia đình tôi có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. So với trồng ngô sắn thì cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. Nhờ gắn bó với cây chè, gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả, làm được nhà mới khang trang hơn.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Phiêng Cằm đã tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và người dân hiến đất, dịch bờ rào theo chủ trương xây dựng đường nông thôn mới tại 23 bản. Nhờ vậy, đã mở mới, mở rộng tuyến đường nội bản, với tổng chiều dài 31,8km; cắm mốc ranh giới hiến đất, hoàn thiện xong 10,4km chiều dài tuyến.

Đổi thay ở xã vùng cao Phiêng Cằm - Ảnh 5.

Duy trì vùng chè đặc sản Phiêng Cằm gắn với du lịch cộng đồng cũng đang được xã Phiêng Cằm hướng tới để tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, xã đã vận động 4 bản trồng 4.000 gốc cây phân tán dọc tuyến đường tỉnh lộ 113 bản Lọng Hỏm, Nặm Pút, Nong Tầu Mông, Phiêng Phụ, Huổi Nhả, Nong Tầu Thái.

Đến nay, xã Phiêng Cằm đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2022 đạt thêm tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị địa phương và việc tiếp cận pháp luật của người dân.

Ông Mùa A Sồng, Bí thư Đảng ủy xã Phiêng Cằm, cho biết: Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã Phiêng Cằm vẫn còn cao, chiếm 62,37%. Do vậy, để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy xã sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Phát huy vai trò của đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các phong trào, các hoạt động của bản, xã. Đặc biệt là phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng và quy hoạch Phiêng Cằm thành khu du lịch sinh thái…

Mùa Xuân