Đói vốn, có doanh nghiệp phải vay ngoài với lãi suất 20-30%
Không dễ huy động vốn từ M&A
Tại Talkshow Chọn Danh mục (phần 2) kỳ 5 với chủ đề “Thích ứng trong hành động”, do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 25/11, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw, người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực như đầu tư, doanh nghiệp, bất động sản…cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong huy động vốn để phát triển hoạt động của mình, vì các lý do sau:
Thứ nhất, về tín dụng, đã có các ngân hàng hết room, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản thì phần lớn không còn room và các doanh nghiệp phải đợi đến năm 2023 để có room mới.
Thứ hai, một trong các kênh có thể huy động được vốn tương đối tốt trước đây là trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó sau khi ban hành Nghị định 65 thay thế Nghị định 153, nhất là với doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong trả nợ trái phiếu đến hạn và sắp đến hạn. Một số vụ việc trong lĩnh vực trái phiếu thậm chí đã gây mất niềm tin đối với nhà đầu tư và người dân.
Còn một thị trường vốn nữa mà các doanh nghiệp bất động sản rất quan tâm những cũng không dễ huy động đó là lĩnh vực M&A, chuyển nhượng một phần hoặc bán dự án cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo ông Hà, việc chuyển nhượng một dự án M&A cũng tương đối khó, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài.
“Trước khi họ vào mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam, họ phải thực hiện nhiều thủ tục như xem hồ sơ pháp lý, sức khỏe doanh nghiệp sau đó phải trải qua một quá trình đàm phán rất dài mới có thể mua bán được, đặc biệt những dự án liên quan đến quyền sử dụng đất”, ông Hà nói.
Theo ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam, căng thẳng Nga- Ukraina đã ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, đặc biệt là giá dầu. Việt Nam là nước tập trung vào xuất khẩu, nên biến động này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam khi tiếp tục trao đổi thương mại với các nước trên thế giới, dẫn đến nền kinh tế bị ảnh hưởng theo.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ba năm qua bị ảnh hưởng diễn biến cung cầu và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Tới đây, các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn thay vì tập trung vào tăng trưởng, bởi thực tế doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số trở ngại như: Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn ở mức cao hay như thiếu lao động cục bộ ở một số ngành, địa phương. Nhất là tiếp cận tín dụng và huy động vốn sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn.
Năm 2023, lãi vay ngân hàng không giảm xuống như thời dịch Covid-19. Những doanh nghiệp tập trung vào hàng hóa như dầu mỏ, xuất khẩu gạo, thức ăn đều bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao như hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp phải vay ngoài lãi với lãi suất 20-30%
Luật sư Hà chia sẻ, qua quá trình làm việc với một số doanh nghiệp bất động sản, họ mong muốn tiếp tục được hoàn thiện các dự án dang dở sắp hoàn thiện để bán hàng nhanh thu tiền về giải quyết khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, thời gian qua doanh nghiệp bất động sản huy động tiền nhiều từ trái phiếu và giờ đang chịu áp lực đáo hạn nợ, bảo vệ uy tín. Họ rất khó phát hành trái phiếu mới, trong khi đó nhà đầu tư lại mong đáo hạn trái phiếu trước hạn để thu tiền về.
Trong tình thế đó, một số doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã phải trả trước tiền trái phiếu cho nhà đầu tư bằng cách hoán đổi căn hộ. Nhưng sau đó nhận thấy trả căn hộ cho trái chủ cũng làm dòng tiền mặt bị ảnh hưởng nên họ dừng chương trình này và gây mất niềm tin cho nhà đầu tư.
Ông Hà cho rằng, trong năm 2023 doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp 2 khó khăn: một là huy động vốn để thực hiện dự án cũ và mới. Room tín dụng cho bất động sản năm nay đã hết, chỉ còn trông chờ sang năm nhưng trong bối cảnh tất cả ngân hàng tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay như thế này, việc tiếp cận vốn sẽ vẫn là khó khăn.
"Tôi thấy nhiều doanh nghiệp còn phải vay ngoài lãi với lãi suất 20-30%, cho thấy họ thực sự khó khăn. Lãi suất chỉ cần cao hơn 12% là đã rất khó cho doanh nghiệp. Hai là tiếp tục phải trả nợ trái phiếu. Đây là khúc cua định mệnh rất khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới", ông Hà nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Mohammad Mudasser cho rằng, việc các công ty bất động sản gặp khó khăn trong duy trì thanh khoản theo ông Mohammad Mudasser đã diễn ra trong hai năm vừa qua do chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi kinh tế vĩ mô và nhu cầu của khách hàng không còn quá lớn.
Bên cạnh đó, trái phiếu không thanh toán được ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Việc huy động từ các nguồn vốn khác trong và ngoài nước ngoài ngân hàng là điềudoanh nghiệp có thể cân nhắc. Tuy nhiên, đại diện từ PwC cũng nhấn mạnh doanh nghiệp cũng cần lưu ý xem xét lại nguồn vốn nếu chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay vượt hiệu suất đầu tư.