Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, lãi suất đè nặng: Vasep kiến nghị sớm có gói kích cầu hỗ trợ ngành thủy sản

22/06/2023 13:04 GMT+7
Vasep cho biết, các đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ 20% - 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá XK sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng các loại chi phí và lãi suất ngân hàng tăng cao.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9 tỷ USD

Hiệp hội Hiệp hội thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục sụt giảm 2 con số so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,379 tỷ USD, giảm -27,9%. Các DN trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện nay trầm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh của dịch bệnh Covid-19.

Các đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ 20% - 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá XK sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng các loại chi phí và lãi suất ngân hàng tăng cao. 

Các DN còn đối mặt với 2 vấn đề lớn: nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm-cá trầm trọng vào đầu năm 2024 khi dự báo thị trường sẽ phục hồi, nhưng người nuôi đã không thể có đủ "sức" để thả nuôi tiếp vào thời điểm hiện nay; không ít các DN sẽ chịu tổn thất, suy thoái nặng nề và thậm chí không thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay.

Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, lãi suất đè nặng: Vasep kiến nghị sớm có gói kích cầu hỗ trợ ngành thủy sản   - Ảnh 1.

Các DN trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện nay trầm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh của dịch bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh khó khăn đó, các loại chi phí và lãi suất ngân hàng vẫn tăng cao, đè nặng lên doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đều khẳng định, những lợi thế về thị trường trong quý IV-2022 đã không còn vì lạm phát đã “ngấm sâu” vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới.

Dự kiến xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 sẽ bị sụt giảm mạnh do các đơn hàng bị giảm sút nhiều, khả năng phục hồi phải đến cuối năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ dự tính ở mức khoảng 9 tỷ USD (so với gần 11 tỷ USD/năm 2022).

“Đây là thời điểm rất cần sự hỗ trợ Chính phủ và các Cơ quan Quản lý nhà nước để các doanh nghiệp ngành hàng có thể trụ được vượt qua giai đoạn khó khăn này, tạo điều kiện xuất khẩu thủy sản hồi phục trở lại vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024” - VASEP đánh giá.

Đề xuất điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4%

Theo đó, Vasep đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả trong quý II - III năm nay và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm nay.

VASEP cho rằng cần có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thu mua nguyên liệu cho nông dân.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng BHXH và thời điểm đóng BHXH; giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất - nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm; vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy và thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng dự án cũ của doanh nghiệp.

Theo VASEP, các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu nên thường vay USD. Từ quý III/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8%/năm lên mức 3 - 3,3%/năm và thậm chí đến 4,5%/năm và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1 - 4,9%/năm; có những doanh nghiệp nhận lãi suất cao hơn 5%/năm trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất - xuất khẩu thủy sản.

Ngoài lãi suất đã cao, doanh nghiệp thuỷ sản còn đang chịu thêm các khoản phí khác như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…

Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng còn chịu thêm việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Việc hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó cũng là vấn đề đáng quan ngại. Từ bối cảnh khó khăn trên đã gây ra áp lực và căng thẳng với các doanh nghiệp thuỷ sản.


O.L
Cùng chuyên mục