Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗi lo một mùa “mía đắng”

07/08/2019 06:32 GMT+7
Chỉ còn khoảng chưa đầy 1 tháng nữa người dân tại ĐBSCL sẽ bước vào vụ thu hoạch mía nhưng các nhà máy đường thì liên tiếp đóng cửa, giá thành sản xuất cao trong khi giá thu mua mía thì thấp, đang khiến người dân như “ngồi trên đống lửa”, thấp thỏm nỗi lo “lại một mùa mía đắng”

Thực trạng ảm đạm

Quay lại thời điểm năm 2015, mía mất mùa liên tục do thời tiết xấu và sản xuất kém năng suất, giá tụt dốc không phanh, bà con kể từ đó đã không còn mặn mà với cây mía. Và từ đó đến nay, ngành mía đường liên tục lâm vào khủng hoảng không lối thoát. 4 năm liền người trồng mía ở ĐBSCL đã không được hưởng niềm vui từ thành quả lao động của mình. Trong khi giá thành sản xuất liên tục tăng (khoảng 50 đồng/kg) thì giá mía bao tiêu và thu mua tại rẫy lại có xu hướng giảm. Đặc biệt, trong vụ mía 2019, giá thành sản xuất của nông dân là 800 đồng/kg nhưng giá thu mua của nhà máy chỉ là 700 đồng.

Trong vòng 9 năm, từ năm 2000 đến 2019, diện tích trồng mía tại tỉnh Hậu Giang đã giảm một nửa, từ 50.000ha xuống còn 25.000ha. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên đóng cửa hàng loạt, thậm chí có doanh nghiệp nợ tiền người dân và không biết đến bao giờ trả. Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), số lượng nhà máy đường trên cả nước đã giảm từ 46 còn 42 trong năm 2017 và cập nhật mới nhất trong năm 2019 là 36. Hiện nhiều nhà máy duy trì hoạt động cầm chừng nên rất khó dự đoán chính xác bao nhiêu nhà máy sẽ trụ lại được trong niên vụ 2019-2020.

Theo dõi ngành mía đường hàng chục năm, GS-TS Võ Tòng Xuân đánh giá các nhà máy đường trong nước gặp khó khăn, phải ngưng hoạt động là xu hướng tất yếu. Tại Việt Nam, giá thành sản xuất 1 tấn mía lên đến 50 USD nên không thể cạnh tranh được với Brazil chỉ có 16 USD, Úc 18 USD và Thái Lan là 30 USD" - GS-TS Võ Tòng Xuân so sánh.

Giá thành cao, cạnh tranh không lành mạnh

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nguyên nhân là do giá thành sản xuất mía của người nông dân hiện vẫn còn cao. Với giá thành như hiện tại, rất khó để đường trong nước có thể cạnh tranh với đường ngoại, đặc biệt là Thái Lan. Trong khi đó nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đường lại thiếu do diện tích liên tục giảm.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “Ngành mía đường Việt Nam đang phải cạnh tranh không lành mạnh với đường lậu từ Thái Lan. Nguyên nhân: Thái Lan đang có chính sách hỗ trợ để đường xuất khẩu có giá thấp hơn đường trong nước. Không bán được giá cao, nông dân Việt Nam sẽ ngưng sản xuất; các nhà máy, công ty đóng cửa thì đường nhập khẩu sẽ độc quyền, tăng giá cao. Việt Nam có nhiều cơ quan quản lý hàng lậu như hải quan, công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường… cho nên cần có một đơn vị để quy trách nhiệm rõ ràng vì sao đường lậu vẫn vào ồ ạt”

Cụ thể, đường lậu xấp xỉ 50% sản lượng đường trong nước, giá mua sát biên giới Việt Nam - Thái Lan chỉ 8.000 đồng/kg, bán ra thị trường 10.000 đồng/kg, trong khi giá đường tại nhà máy của Việt Nam đã 12.500 đồng/kg, bán lẻ ra thị trường 18.000-20.000 đồng/kg. Chênh lệch giá cao như vậy nên đường trong nước khó tiêu thụ, hiện tồn kho ở nhà máy đã khoảng 600.000 tấn.

Giá đường nhập khẩu từ Việt Nam liên tục cao hơn Thái Lan nên rất khó để cạnh tranh

Ngoài ra, tình trạng nhập khẩu đường lỏng (HFCS) giá rẻ, thuế nhập khẩu 0% tiếp tục gia tăng cũng gây khó khăn cho các nhà máy đường. Số liệu của VSSA ghi nhận năm 2014 cả nước nhập khẩu 46.000 tấn đường nước, đến năm 2018, con số này lên khoảng 140.000 tấn.

Giải pháp nào cho ngành mía đường?

Nếu tình hình này vẫn cứ diễn ra thì trong tương lai không xa, mía đường sẽ “chết” trong chính sân nhà, đường ngoại sẽ chiếm lĩnh toàn thị trường Việt Nam. Bởi vậy cần có những biện pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết vấn đề. Một trong số đó là giảm giá thành sản xuất, cơ giới hóa, đa dạng hóa và tận dụng lợi ích tối đa từ cây mía. “Trong bối cảnh cây mía đang có giá thành thấp, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh." - Ông Dương cho biết thêm.

Phần lớn nhà máy đường của nước ta hoạt động theo mô hình sản xuất cũ, kém hiệu quả dẫn tới giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao

Còn về phía các nhà máy đường muốn tự cứu mình thì phải liên kết chặt hơn với người nông dân, bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lí, vừa ổn định nguồn nguyên liệu và vừa để người nông dân yên tâm sản xuất. 

Để khắc phục tình trạng vùng nguyên liệu của nhiều nhà máy được quy hoạch trên đồi cao, đất khô cằn, phân tán và đan xen với cây trồng khác nên gặp khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cũng như việc vận chuyển, cần phải nhanh chóng quy hoạch lại nông nghiệp, đất đai trồng mía phù hợp thành vùng chuyên canh cho cây mía để đạt được năng suất tốt nhất.

Đầu tư đúng mức cho những nhà máy trọng điểm có công suất lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến; tích cực tìm kiếm, đa dạng hóa sản phẩm để tăng nguồn thu, giảm giá thành. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, phải đổi mới tư duy, mía không phải chỉ sản xuất ra đường mà phục cho nhiều sản phẩm chúng ta cần phải nghiên cứu, các doanh nghiệp phải chú ý đến phát triển các sản phẩm như cồn, điện, phân vi sinh..., tận dụng tối đa và không lãng phí bất kì nguồn lợi nào từ cây mía.

Mai Trang
Cùng chuyên mục