"Đóng cửa" đa cấp bất chính gây hại cho người tiêu dùng
Không cần đặt cọc khi tham gia hệ thống bán hàng đa cấp
Đa cấp bất chính được nhận diện là hành vi lừa đảo, thực hiện bằng nhiều cách, nguồn tiền được nộp vào hệ thống không dựa trên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa mà chỉ nộp tiền khống, dùng tiền đó chi trả hoa hồng cho người vào trước. Trước đây, các tổ chức đa cấp bất chính thường yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, nộp tiền tham gia hoặc bắt buộc mua hàng hóa khi tham gia.
Người tiêu dùng khi vừa tham gia hệ thống đã phải bỏ ra một số tiền ban đầu để gia nhập vào mạng lưới, với các lý do như mua tài liệu đào tạo, tham gia buổi tập huấn. Nghiêm trọng hơn là bị buộc mua một lượng hàng hóa kém chất lượng với giá rất cao với lý do sử dụng thử để trải nghiệm sản phẩm và tư vấn cho khách hàng về sản phẩm…
Thời gian qua, đã có không ít vụ việc người tiêu dùng nhẹ dạ vì đóng vào số tiền cọc quá lớn mà sa vào vũng lầy vay nợ, nhiều người vì cố gắng theo đuổi với mong muốn có thể thu khoản cọc ban đầu mà mất cả chì lẫn chài.
Để ngăn chặn hành vi núp bóng bán hàng để huy động vốn trái phép nêu trên, Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung những điều mà tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp bị nghiêm cấm thực hiện.
Theo đó, nghiêm cấm việc yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp. Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ hoặc hình thức khác không phải là mua bán hàng hóa.
Nghiêm cấm hành vi phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên giao dịch mua bán hàng hóa. Đồng thời hành vi cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cá nhân tham gia hệ thống bán hàng đa cấp cũng bị cấm.
Mặt khác, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp buộc phải có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Người tiêu dùng có thể chuyển trả lại hàng cho tổ chức đa cấp
Theo quy định vệ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp, Niêm yết công khai các tài liệu hoạt động tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức bán hàng đa cấp. Thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng.
Khi thực hiện hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp phải giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện về ngôn ngữ, hình thức và pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) quy định rõ, tổ chức, các nhân hoạt động bán hàng đa cấp sẽ buộc phải nhận lại hàng hóa và trả lại tiền theo yêu cầu của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp, hoặc người tiêu dùng nếu yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng hóa. Hàng hóa đủ còn nguyên bao bì, tem, nhãn và còn thời hạn sử dụng sẽ đủ điều kiện trả lại.
Tổ chức bán hàng đa cấp phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng của cá nhân tham gia hệ thống trong trường hợp hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo của tổ chức bán hàng đa cấp.
Đối với cá nhân tham gia bán hàng đa cấp phải xuất trình thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng, tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và quy tắc hoạt động. Đáng chú ý, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm theo quy định của Luật.