“Đóng cửa toàn bộ nhà máy khi có F0 là cách làm đã rất lạc hậu”

29/09/2021 08:47 GMT+7
Theo nhận định của các doanh nghiệp, nhà quản lý, trước bối cảnh mục tiêu “zero Covid” khó đạt được, quá trình chuyển đổi số sẽ giúp nền kinh tế vận hành ổn định trong trạng thái mới.

Dịch vụ công trực tuyến hoàn thành 100% trong năm 2021

Mới đây, tại hội nghị của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh về chuyển đổi số doanh nghiệp thời Covid-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, một số quốc gia, doanh nghiệp đã làm được việc chuyển hoạt động lên môi trường số. "Chuyển đổi số thì một tháng Covid có thể bằng cả chục năm", Bộ trưởng TT&TT khẳng định.

Về phía tổ chức hoạt động hành chính, ông Hùng cho hay, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Dịch vụ công trực tuyến sẽ tăng từ 30% của năm 2020 lên 100% trong năm nay.

Chuyển đổi số: Điều kiện để doanh nghiệp “sống chung” với dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: Báo Bắc giang)

"Các hoạt động của Chính phủ sẽ chuyển nhanh lên môi trường số, kể cả những hoạt động thanh kiểm tra", Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Đồng tình với chủ trương trên, trao đổi với Dân Việt, ông Cao Hoàng Nam, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông PepsiCo cho rằng, dịch Covid-19 là cơ hội để áp dụng Chính phủ điện tử một cách tối đa.

"Hiện tại, nhóm kinh tế tư nhân đã tận dụng cơ hội để tăng cường, áp dụng công nghệ thông tin một cách tối đa. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nhân cơ hội này, áp dụng toàn bộ hệ thống theo cấp độ 4 về quản lý hành chính công. Lúc đó, tình trạng hàng trăm người đến phường xã làm thủ tục giấy tờ sẽ không còn", ông Nam nói.

Cũng theo thông tin từ ông Nam, mới đây, nhiều cộng đồng doanh nghiệp như AmCham, EuroCham đã có kiến nghị với Chính phủ về quản lý số nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong mùa dịch.

Trong đó trọng tâm nằm ở việc Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ thực hiện đúng tiến độ yêu cầu trong NQ 105/NQ-CP: "Bộ Thông tin truyền thông "xây dựng nền tảng công nghệ số để tích hợp….tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh… hoàn thành trong tháng 9"

Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương chấp thuận các các văn bản scan, gửi online để được giải quyết các thủ tục phục vụ sản xuất, kinh doanh và hành chính trong thời gian dịch cho tới khi thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 (chậm nhất quý I năm 2022)

Không để đứt gãy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong phòng chống dịch

Ngoài ra, nói về việc phòng chống dịch với doanh nghiệp ông Nam cho biết thêm, hiện tại, trong trường hợp các nhà máy có ca F0 sẽ cân nhắc về việc đóng cửa một phần hoặc toàn bộ nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các địa phương đều chọn phương án đóng cửa toàn bộ nhà máy.

"Theo tôi đây là cách làm đã rất lạc hậu, Chính phủ cũng đã đổi cách tiếp cận, chỉ khoanh vùng nhỏ thay vì vùng lớn như trước. Ví dụ như lúc trước, chỉ cần có ca dương tính sẽ cách ly, đóng cửa cả một xã, phường, quận, huyện, thậm chí cả tỉnh. Bây giờ mục tiêu hướng tới là phong tỏa theo điểm, ngõ phố nào bị sẽ phong tỏa khu vực đó.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như vậy, nếu như một xưởng, phòng bị, chỉ cần khoanh vùng, cách ly điểm đó. Sau cách ly F0, test RT-PCR hoặc PCR, khử khuẩn khu vực thì hoàn toàn có thể cho xưởng hoạt động trở lại, tránh làm gián đoạn sản xuất", ông Nam bày tỏ.

Chuyển đổi số: Điều kiện để doanh nghiệp “sống chung” với dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bên cạnh chuyển đổi số, công tác phòng chống dịch cũng cần điều chỉnh để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. (Ảnh: Dân trí)

Theo đó, ông Nam cho rằng, đã xác định "sống chung" với dịch bệnh cần phải làm như vậy, không thể cứ mỗi khi có dịch lại đóng cửa nhà máy và thực hiện rất nhiều quy trình khiến cơ sở không thể sản xuất trong nửa tháng.

"Điều này rất lãng phí và không hiệu quả trong phòng chống dịch. Ví dụ như các nhà máy của Hoa Kỳ hoặc một số nước đều áp dụng tất cả các phương án phòng chống dịch, thậm chí còn ở mức độ cao hơn.

Nhà máy của Pepsi Co vẫn trang bị cho công nhân mặt nạ chống giọt bắn, dù theo quy định của Bộ Y tế không yêu cầu hoặc "giao ca không giao tiếp". Tôi tin rằng với những nỗ lực của doanh nghiệp công tác kiểm soát dịch sẽ hiệu quả. Việc đóng cửa toàn bộ nhà máy dù chỉ một ngày cũng khiến kế hoạch, KPI cả một năm của doanh nghiệp bị ảnh hưởng", ông Nam thông tin thêm.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục