Đông Sơn là xã dẫn đầu tỉnh Ninh Bình về số lượng chủ thể sản phẩm OCOP, 7 sản phẩm đạt 4 sao

Vũ Thượng Thứ tư, ngày 19/04/2023 13:18 PM (GMT+7)
Xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), hiện có 7 sản phẩm OCOP 4 sao, là xã có số chủ thể tham gia Chương trình “mỗi xã một sản phẩm OCOP” dẫn đầu tỉnh Ninh Bình. Đây cũng là điều kiện, nền tảng vững chắc để xã Đông Sơn quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Bình luận 0

Tham gia OCOP nâng tầm giá trị sản phẩm

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Đình Cư-Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: "Năm 2019, xã Đông Sơn bắt đầu triển khai Chương trình "mỗi xã một sản phẩm OCOP". Đến nay, toàn xã có 7 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao".

Đông Sơn xã có 7 sản phẩm được gắn “4 sao” dẫn đầu tỉnh Ninh Bình - Ảnh 1.

Tinh dầu tràm sản phẩm công nhận OCOP 4 sao của Hợp tác xã Đông Sơn (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp). Ảnh: Vũ Thượng

"Lúc đầu triển khai chương trình, chúng tôi đang còn lúng túng, chưa hiểu hết sản phẩm OCOP là gì?. Những lợi thế khi xây dựng sản phẩm OCOP…?. Sau thời gian tìm hiểu thì nhận thấy tham gia vào xây dựng sản phẩm OCOP sẽ nâng tầm giá trị sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm". ông Cư cho biết thêm.

Xã Đông Sơn hiện có số lượng chủ thể (hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác…) tham gia gia Chương trình "mỗi xã một sản phẩm OCOP" nhiều nhất tỉnh Ninh Bình.

Đông Sơn xã có 7 sản phẩm được gắn “4 sao” dẫn đầu tỉnh Ninh Bình - Ảnh 2.

Tảo xoắn Spirulina tươi và tảo xoắn Spirulina nguyên chất là 2 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Vũ Thượng

Hiện, xã Đông Sơn có 7 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Sản phẩm chè An Nguyên (có 2 sản phẩm); Tảo xoắn Spirulina tươi và tảo xoắn Spirulina nguyên chất; Cơm cháy Phương Linh; Du lịch cộng đồng; Tinh dầu tràm.

Chương trình OCOP "mỗi xã một sản phẩm" đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa). Đồng thời, để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Đông Sơn xã có 7 sản phẩm được gắn “4 sao” dẫn đầu tỉnh Ninh Bình - Ảnh 3.

Xã Đông Sơn quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Ảnh: Vũ Thượng

Cũng như, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Đông Sơn xã có 7 sản phẩm được gắn “4 sao” dẫn đầu tỉnh Ninh Bình - Ảnh 4.

Về sản phẩm, chương trình đặt ra mục tiêu mỗi xã có tối thiểu một sản phẩm đạt chuẩn OCOP, không giới hạn số sản phẩm OCOP của một xã. Ảnh: Vũ Thượng

Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương

Trò chuyện với Dân Việt, chị Nguyễn Thị Dung đang có 2 sản phẩm từ tảo xoắn đạt OCOP 4 sao cho biết: "Nhận thấy tảo xoắn Spirulina là thực phẩm tốt cho sức khỏe như: Hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa huyết áp,...nhưng người dân Việt Nam chưa biết nhiều. Bên cạnh đó, phải mua hàng nhập khẩu từ bên ngoài với giá cao, không thể kiểm soát được chất lượng của sản phẩm".

Đông Sơn xã có 7 sản phẩm được gắn “4 sao” dẫn đầu tỉnh Ninh Bình - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Dung (xã Đông Sơn) cầm trên tay sản phẩm tảo xoắn nguyên chất đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: Vũ Thượng

"Tháng 3/2020, vợ chồng tôi thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt. Đồng thời, mở rộng quy mô sản xuất, làm thương mại, hướng đến xây dựng các sản phẩm theo hướng OCOP", chị Dung nói.

Hiện, chị Nguyễn Thị Dung (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đang tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương 6.000.000 đồng/người/tháng. Qua tính toán, doanh thu từ việc bán các sản phẩm từ tảo xoắn Spirulina thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đông Sơn xã có 7 sản phẩm được gắn “4 sao” dẫn đầu tỉnh Ninh Bình - Ảnh 6.

Tham gia Chương trình "mỗi xã một sản phẩm OCOP" nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Phạm Đình Cư-Chủ tịch UBND xã Đông Sơn thông tin: "Để tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia Chương trình "mỗi xã một sản phẩm OCOP", chúng tôi đã hướng dẫn làm các thủ tục, giới thiệu sản phẩm tới nhiều người biết…Đây là động lực giúp các chủ thể phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động địa phương, tạo sự lan tỏa để chương trình được triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới".

Đông Sơn xã có 7 sản phẩm được gắn “4 sao” dẫn đầu tỉnh Ninh Bình - Ảnh 7.

Đông Sơn "thủ phủ" đào phai hướng tới xã xây dựng 2 sản phẩm OCOP từ quả đào. Ảnh: Vũ Thượng

"Hiện nay, bình quân mỗi cơ sở có sản phẩm OCOP đang tạo công việc cho 5-7 lao động với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, thu nhập bình quân xã Đông Sơn gần 60 triệu đồng/người/năm". Năm 2023, xã Đông Sơn dự kiến xây dựng thêm từ 6-7 sản phẩm OCOP như: Thịt lợn trà xanh, thịt gà thảo dược, rượu vang đào, rượu đào ngâm, bột dinh dưỡng tảo xoắn…", ông Cư thông tin.

Đông Sơn xã có 7 sản phẩm được gắn “4 sao” dẫn đầu tỉnh Ninh Bình - Ảnh 8.

Ông Trần Song Tùng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình (thứ 5 trái qua), trao giấy chứng nhận sản phẩm Ocop cho các chủ thể năm 2022. Ảnh: M N

Tính từ năm 2018 đến nay, tỉnh Ninh Bình có 101 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 68 sản phẩm hạng 4 sao, 33 sản phẩm hạng 3 sao (có 6 sản phẩm đạt trên 90 điểm). Trọng tâm năm 2023, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP đến người dân, chủ thể đăng ký.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem