Dow Jones phá đỉnh 28.000 điểm nhưng quan hệ Mỹ Trung có thực sự phá băng?

16/11/2019 10:55 GMT+7
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones vừa vượt ngưỡng 28.000 điểm, xác lập một dấu mốc lịch sử mới hôm 15/11 sau khi một thông tin từ Nhà Trắng cho hay thỏa thuận thương mại Mỹ Trung trong tầm tay.

Dow Jones vượt 28.000 điểm: không đơn giản là một dấu mốc

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh lịch sử hôm 15/11 sau khi cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow tiết lộ Mỹ và Trung Quốc đã gần đạt đến thỏa thuận thương mại dù Tổng thống Donald Trump chưa sẵn sàng ký kết. Vị Tổng thống Mỹ từng tuyên bố bên lề một sự kiện của Hội đồng quan hệ đối ngoại rằng ông chưa sẵn sàng ký vào một thỏa thuận với Trung Quốc, tờ Tạp chí Phố Wall mới đây đưa tin.

Dow Jones phá đỉnh 28.000 điểm nhưng quan hệ Mỹ Trung có thực sự phá băng? - Ảnh 1.

Chặng đường Dow Jones leo dốc từ 27.000 điểm lên 28.000 điểm

Cụ thể, Dow Jones đã tăng 222,93 điểm, tương đương 0,7% lên 28.004,89 điểm trong phiên. Chỉ 4 tháng sau ngày chỉ số 30 cổ phiếu bluechip vượt mốc 27.000 điểm (hôm 11/7), một lần nữa Dow Jones chinh phục mốc 28.000 điểm đầy ấn tượng. Trong 123 năm lịch sử của chỉ số chứng khoán này, hiếm khi Dow Jones phá mốc 1.000 điểm nhanh đến vậy. Phải biết rằng, phố Wall đã phải mất 372 ngày chật vật để đưa Dow Jones từ mốc 26.000 điểm lên 27.000 điểm. Không chỉ Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite, 2 chỉ số chứng khoán chính còn lại của phố Wall cũng vượt đỉnh lịch sử, đánh dấu kỷ lục cao nhất mọi thời đại.

Sau hàng loạt nghi vấn thảo luận thương mại bế tắc trong những ngày qua, phát ngôn của Larry Kudlow gần như là liều thuốc trấn an tâm lý thị trường và quét sạch nghi hoặc xoay quanh khả năng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chấm dứt xung đột thương mại.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đến nay, các chính sách thương mại quốc tế của Donald Trump luôn là chất xúc tác lớn tạo nên những biến động của thị trường chứng khoán Mỹ. Rõ ràng, việc chứng khoán Mỹ liên tục phá đỉnh và vượt mốc quan trọng không chỉ thể hiện tâm lý thị trường mạnh mẽ mà còn phản ánh sức mạnh nội tại của chính nền kinh tế Mỹ bất chấp nguy cơ leo thang thương chiến tiềm tàng.

Chứng khoán Mỹ sẽ leo dốc ngay cả khi đàm phán Mỹ Trung "giậm chân tại chỗ"?

Như một cơ chế nhịp nhàng, mỗi khi chính quyền Donald Trump công bố những động thái tích cực của quan hệ Mỹ Trung, cổ phiếu sẽ tăng đột biến. Việc Dow Jones vượt ngưỡng 28.000 điểm chỉ sau một tiết lộ của cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow về thỏa thuận Mỹ Trung trong tầm tay đã minh chứng cho "định lý" ấy. 

Dow Jones phá đỉnh 28.000 điểm nhưng quan hệ Mỹ Trung có thực sự phá băng? - Ảnh 3.

Dow Jones phá đỉnh 28.000 nhưng quan hệ Mỹ Trung có thực sự phá băng?

Thực chất, đây không phải lần đầu Larry Kudlow có những phát ngôn tương tự như vậy, nhưng thị trường chứng khoán vẫn sẵn sàng lắng nghe và có những phản ứng mạnh mẽ. Nhìn lại một số lần phát ngôn về diễn biến tích cực trong đàm phán thương mại của Larry Kudlow:

28/2/2019: Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow tuyên bố đàm phán thương mại Mỹ Trung đạt được “những tiến bộ tuyệt vời”.

3/4/2019: Larry Kudlow cho biết Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới thỏa thuận thương mại dựa trên cơ sở đàm phán. 

4/10/2019: Larry Kudlow tiết lộ đàm phán Mỹ Trung sắp tới (tức cuộc đàm phán diễn ra trong hai ngày 10-11/11-2019) có thể sẽ có một số bước tiến bất ngờ đầy tích cực. 

17/10/2019: Larry Kudlow tuyên bố hai nền kinh tế có rất nhiều động lực để hoàn thành một thỏa thuận thương mại.

14/11/2019: Larry Kudlow khẳng định hai nước đang giữ mối liên lạc khăng khít trong nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại.

Tờ CNBC nhận định: “Không phải diễn biến thương mại, chính tâm lý lạc quan mới là nhân tố đưa thị trường lên mức cao kỷ lục”.

Thật vậy, ông Matthew Maley, chiến lược gia trưởng thị trường tại Miller Tabak nhận định trong một ghi chú sau phiên giao dịch hôm 15/11: “Đợi chút, có phải đây là những gì họ đã nói cách đây 1, 2 hay thậm chí 3 tuần trước? Hồi tháng 4, họ thậm chí còn nói về một thỏa thuận toàn diện lớn hơn nhiều…” 

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã bị cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng trong hơn một năm qua. Hồi tháng 5/2019, Bắc Kinh và Washington gần như đã hoàn thiện thỏa thuận thương mại toàn diện cuối cùng trước khi chính quyền Tập Cận Bình muốn lật lại các cuộc thảo luận dẫn đến đàm phán đổ bể vào phút chót, khiến Trump giận dữ áp hàng loạt mức thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. 

Vậy nên, với nhiều chuyên gia phân tích, những diễn biến thương mại hiện nay thực chất không phải bước tiến quá xa của quan hệ Mỹ Trung nhưng nó vẫn đủ sức đưa chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới. Và ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc ký kết xong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nó cũng không giúp giải quyết những mâu thuẫn cốt lõi của hai nền kinh tế liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc hay trợ cấp doanh nghiệp.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục