Nỗ lực hạ bệ Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cáo buộc Donald Trump tội danh hối lộ
“Hành vi hối lộ của Tổng thống được thể hiện qua việc cấp hoặc đe dọa từ chối cấp viện trợ quân sự cho Ukraine để đổi lấy một cuộc điều tra công khai về ứng viên tiềm năng của Đảng Dân Chủ cho cuộc đua Tổng thống nhiệm kỳ 2020. Đó là hối lộ”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cáo buộc ngay sau phiên điều trần đầu tiên của Tổng thống
“Những gì Tổng thống nói thật hoàn hảo. Nhưng nó hoàn toàn là một sai lầm. Hành vi hối lộ đã rõ”, bà Nancy Pelosi mạnh mẽ chỉ trích.
Theo Hiến pháp Mỹ, một vị Tổng thống có thể bị buộc tội nếu tham gia vào các hành vi có thể bị khép vào tội danh phản quốc, hối lộ, tội ác đi ngược lại nhân quyền… Giờ đây, việc đảng Dân chủ bắt đầu sử dụng các tội danh liên quan đến hối lộ và cố tình hối lộ khi nhắc đến hành động của ông Trump đã cho thấy quyết tâm hạ bệ Tổng thống của chính đảng này.
Đảng Dân chủ hồi tháng 10 đã phát động một cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Donald Trump sau khi một lá đơn tố cáo nặc danh cho rằng ông Trump trì hoãn khoản viện trợ an ninh 391 triệu USD để buộc chính phủ Ukraine điều tra nghi án tham nhũng của gia đình ứng viên Tổng thống Joe Biden. Khoản viện trợ này đã được quốc hội phê chuẩn từ lâu, nhưng Đảng Dân chủ cho rằng ông Trump cố tình trì hoãn để tạo áp lực cho phía Kiev điều tra hạ bệ uy tín của ông Joe Biden ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trọng tâm điều tra xoay quanh cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 25/7, trong đó ông Trump gợi ý ông Zelensky điều tra con trai Joe Biden là Hunter Biden về hành vi tham nhũng khi người này còn công tác trong Hội đồng quản trị một công ty dầu khí Ukraine có tên Burisma.
Donald Trump sau đó đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc gây sức ép cho Ukraine, đồng thời công khai bản ghi chép nội dung điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để chứng minh các cuộc thảo luận hoàn toàn hợp lý và minh bạch dù rằng cả hai có nhắc đến Joe Biden và vấn đề tham nhũng. Một số nhân vật quan trọng như cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, bà Marie Yovanovitch và quan chức phụ trách các vấn đề ngân sách Nhà Trắng sẽ cùng tham gia các phiên điều trần trong nỗ lực làm rõ hành động của Donald Trump.
Dù vậy, một thực tế cho thấy dù kết quả điều trần ra sao, nó cũng tác động không nhiều đến nhiệm kỳ hiện tại và con đường tái tranh cử của ngài Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Ngay cả khi Hạ viện thông qua các điều khoản luận tội như một cáo buộc chính thức chống lại Trump, Đảng Dân chủ vẫn cần sự nhất trí của Thượng viện trong việc bãi nhiệm hay kết án Tổng thống. Nhưng trái với Hạ viện do phần đông Đảng Dân chủ giữ ghế, Thượng viện lại bị kiểm soát bởi đông đảo cử tri đảng Cộng hòa. Một cuộc thăm dò của Reuters mới đây chỉ ra có tới 79% ứng viên Đảng Cộng hòa phản đối luận tội, đồng nghĩa với việc rất ít thượng nghị viên ủng hộ việc bãi nhiệm Donald Trump.
Các cuộc thăm dò trong công dân Mỹ cũng cho thấy một thực tế là điều tra luận tội không mấy ảnh hưởng đến con đường tái tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống 2020 của Trump. Reuters dẫn lời một công dân Mỹ có tên Kurt Zuhlke (hạt Northampton, Pennsylvania) - người đã bỏ phiếu cho ứng viên Gary Johnson trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 thay vì Clinton hay Trump - rằng: “Mọi công dân đều đã có cho mình những quan điểm riêng mà họ tin tưởng. Do đó, điều trần luận tội thực chất chẳng có ảnh hưởng gì đến tình hình tranh cử của Tổng thống”.
Dù vậy, lời cáo buộc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong bối cảnh bê bối luận tội được công dân Mỹ đặc biệt quan tâm chẳng khác nào một nỗ lực hạ bệ uy tín ngài Tổng thống. Trong nhiều cuộc trả lời giới truyền thông, bà Nancy còn khẳng định chính quyền Donald Trump thậm chí đã cản trở điều tra bằng cách ngăn chặn những lời khai của các nhân chứng được triệu tập.
Ước tính, đã có khoảng 13,8 triệu người theo dõi trực tiếp ngày đầu tiên của phiên điều trần luận tội Donald Trump trên khoảng 10 kênh truyền hình cáp và mạng Internet khác nhau, theo dữ liệu từ Nielsen.