Dự án 7.000 tỷ nâng cấp đường sắt Bắc - Nam đang thi công ra sao?
Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) đang quản lý 3 dự án gồm: Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh (dự án cầu yếu); cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh (dự án Hà Nội - Vinh); cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (dự án Nha Trang-Sài Gòn).
Thông tin về tiến độ dự án được thực hiện cải tạo nâng cấp, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, các gói thầu nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam được khởi công từ giữa năm 2020, quá trình triển khai thi công các nhà thầu gặp nhiều khó khăn do bão lũ bất thường khu vực miền Trung tháng 9, tháng 10/2020.
Khó khăn nữa là do dịch Covid-19 bùng phát diễn biến rất phức tạp kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Mặt khác, dự án đường sắt đang thi công trong hoàn cảnh đường sắt Bắc - Nam vẫn đang vận hành, khai thác nên phải làm việc theo lịch khi không có tàu chạy qua để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Dể đáp ứng yêu cầu về tiến độ, Ban Quản lý dự án đường sắt và các nhà thầu, tư vấn mở nhiều mũi thi công đồng loạt; triển khai theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu hoàn thành ngay đến đó để đưa vào khai thác đảm bảo tốc độ thiết kế.
Đến nay, 4 gói thầu đã hoàn thành đưa vào khai thác, gồm 2 gói của dự án cầu yếu, 1 gói của dự án Hà Nội - Vinh, 1 gói của dự án Nha Trang - Sài Gòn. Trong đó, dự án cầu yếu đã hoàn thành trả tốc độ cho 49 cầu/125 cầu.
Dự án Hà Nội - Vinh đã hoàn thành trả tốc độ được 9/15 khu gian. Dự án Nha Trang-Sài Gòn hoàn thành 4/5 khu gian và 2 ga.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin, các gói thầu còn lại đang được các bên tích cực thực hiện; trong đó, một số gói thầu sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 8, tháng 9/2021, như: các gói xây lắp XL-CY-06, XL-CY-03 dự án cầu yếu dự kiến hoàn thành 30/8/2021.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình triển khai, có thách thức lớn nhất của các dự án chính là việc nằm trải dài trên tuyến đường sắt Bắc - Nam có phạm vi, diện tích, khối lượng giải phóng mặt bằng nhỏ, phân tán và thực hiện tại nhiều địa phương nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian...
Trong khi đó, cùng thời gian này, các địa phương ưu tiên tập trung giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc. Để tháo gỡ các khó khăn, đáp ứng yêu cầu tiến độ, Ban Quản lý dự án đường sắt đã chủ động xác định đường găng tiến độ.
Khi lập kế hoạch tiến độ thực hiện đã dành quỹ thời gian dự phòng và đánh giá những nguy cơ chậm tiến độ để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo tiến độ chung của dự án…