Dự án Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cơ sở 2 “tắc nghẽn”, đất vàng hoang hóa

Thanh Phong
10/04/2025 18:55 GMT +7
Khu dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng nằm bên cạnh vịnh Hạ Long vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng.

Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cơ sở 2 có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4.200 tỷ đồng do ngân sách tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường bệnh, đáp ứng hoạt động của 48 khoa, phòng trên khu đất khoảng 10 ha nằm trong khu đất của Nhà máy tuyển Than Nam Cầu Trắng, Công ty tuyển Than Hòn Gai (phường Hồng Hà và phường Hà Tu, TP.Hạ Long).

Mặt bằng do Nhà máy tuyển Than Nam Cầu Trắng để lại đã bị bỏ không hơn nửa thập kỷ, các hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Quang Sơn)

Công trình này được đã được làm lễ khởi công vào tháng 8/2024, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phần mặt bằng diện tích khoảng 30,25ha của Nhà máy tuyển Than Nam Cầu Trắng và phần tiếp giáp vẫn chưa được di dời để phục vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Tại khu vực dự kiến triển khai dự án, các công trình, máy móc vẫn ngổn ngang, xuống cấp theo thời gian do Nhà máy tuyển Than Nam Cầu Trắng đã dừng hoạt động từ năm 2019.

Theo thông tin từ UBND TP.Hạ Long, nguyên nhân của tình trạng chậm giải phóng mặt bằng do vướng mắc trong việc xác định giá trị bồi thường và phương án xử lý đối với phần tài sản còn lại tại nhà máy tuyển than.

Dự án có vị trí rất đẹp khi nằm trên trục đường ven biển vịnh Hạ Long và gần khu dân cư. (Ảnh: Quang Sơn)

Cụ thể, trong số tài sản được xác định có nhiều hạng mục tài sản đặc thù không có trong bộ đơn giá do UBND tỉnh Quảng Ninh quy định. Đồng thời, ngành chức năng cũng gặp khó khăn trong việc thuê đơn vị tư vấn, thẩm định giá tài sản.

Ngoài ra, dự án nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, việc đánh giá tác động môi trường phải được Bộ VH-TT-DL chấp thuận theo luật Di sản nên mất nhiều thời gian.

Tình trạng chậm triển khai dự án đang khiến doanh nghiệp, ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh “thiệt đơn, thiệt kép”. Về phía TKV, do chưa thể bàn giao mặt bằng về cho tỉnh Quảng Ninh nên hiện công ty vẫn phải bố trí nhân sự trông giữ và nộp tiền thuê đất với lên tới 1,5 tỷ đồng/tháng.

Như vậy, sau hơn 5 năm từ khi Nhà máy tuyển Than Nam Cầu Trắng dừng hoạt động, chi phí "duy trì" cho khu đất “bỏ hoang” này đã lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Khu vực nhà máy bỏ hoang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Quang Sơn)

Về phía tỉnh Quảng Ninh, ngân sách của địa phương cũng đã phải đổ ra không ít dù dự án đang “treo”. Cụ thể, nhằm phục vụ hoạt động triển khai dự án, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều gói thầu liên quan tới Tư vấn khảo sát địa hình, địa chất, lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500, tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong đó, Gói thầu số 03: Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi có giá trị lớn nhất ở mức 6,3 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 22/5/2024, ông Nguyễn Hữu Đuyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh ký quyết định số 158/QĐ-BDD&CN về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Theo đó, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP và các liên danh phụ gồm: Azusa Sekkei Co., Ltd, CTCP Tư vấn Vạn Long, CTCP Đầu tư và Phát triển Phòng cháy chữa cháy Việt Nam đã trúng gói thầu trên. Thời gian thực hiện hợp đồng là 70 ngày sau khi ký kết.

Tuy đã thực hiện các bước thủ tục để triển khai dự án, tuy nhiên, cho đến nay, ngày khởi công dự án vẫn đang “mờ mịt” gây lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Được biết, ngay từ đầu năm, ngày 6/2/2025, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Thông báo số 1488-TB/TU về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Tiếp theo, ngày 11/2/2025, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 31/TB-UBND, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc của từng dự án.