Dự án NM nước sông Đuống và câu hỏi cần TP. Hà Nội trả lời

18/11/2019 14:04 GMT+7
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với UBND TP Hà Nội xung quanh việc đầu tư nhà máy nước sông Đuống. Tại sao giá nước lại "gánh" thêm hàng nghìn tỷ lãi vay? Chất lượng công trình có đảm bảo khi sử dụng đường ống Trung Quốc? Và quá trình lòng vòng trong việc góp vốn đầu tư của các doanh nghiệp có gì khuất tất không?...

Nhiều lần Bộ Tài chính yêu cầu loại trừ chi phí vay khi tính giá nước

Trước những lùm xùm về việc giá nước nhà máy sông Đuống đắt gấp đôi (giá tạm tính là 10.246 đồng/m3) so với nhà máy nước sạch sông Đà do phải gánh hàng nghìn tỷ đồng vay nợ, ngày 14/11, Bộ Tài chính đã có công văn phản hồi tới UBND TP. Hà Nội. Theo đó, đối với chi phí lãi vay, bộ yêu cầu loại trừ các khoản vốn hóa, tránh tính trùng chi phí.

Đây không phải là lần đầu Bộ Tài chính yêu cầu TP. Hà Nội thực hiện việc này. Trước đó, Bộ Tài chính đã có hai công văn (công văn số 4581 ngày 18/4/2019 và công văn số 10613 ngày 11/9/2019) yêu cầu UBND. TP Hà Nội cần loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản theo quy định.

Nhà máy nước sông Đuống và những câu hỏi chưa có lời giải - Ảnh 1.

Dự án Nhà máy nước sông Đuống có mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng nhưng sử dụng đường ống của Trung Quốc.

Được biết, Nhà máy nước mặt Sông Đuống là nhà máy có quy mô cấp nước vùng với tổng công suất dự kiến 1,2 triệu m3/ngày. Trong giai đoạn đầu, nhà máy có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng cho công suất thiết kế 300.000 m3/ngày. Trong khi vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ đồng.

Chính vì nguồn vốn chủ sở hữu bị giới hạn, việc xây dựng nhà máy nước và phát triển dự án (đặc biệt là năm 2018) phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Năm 2018, dư nợ vay dài hạn của Nhà máy nước Sông Đuống tăng đột biến, với giá trị ghi nhận tính đến cuối năm là 2.483,1 tỷ đồng. Khoản nợ này đều từ VietinBank chi nhánh Đô Thành. Khoản vay được trả thành nhiều lần bắt đầu từ 5/1/2020 đến hết 2033.

Lãi suất vay năm đầu tiên chi trả là 8%/năm và 8,9% trong năm thứ 2, sau đó lãi suất theo hợp đồng. Công ty sử dụng toàn bộ dự án nước sạch Sông Đuống làm thế chấp cho khoản vay.

Nhà máy nước sông Đuống có vốn đầu tư cao, tuy nhiên đường ống dẫn truyền lại sử dụng của Trung Quốc. Điều đáng nói ở chỗ, doanh nghiệp này chính là đơn vị đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà. 

Đây cũng là doanh nghiệp khiến dư luận lo ngại và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chỉ sau đó ít thời gian chỉ đạo của Thủ tướng, hợp đồng cung cấp ống cho dự án nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được ký với chính nhà thầu Trung Quốc trên.

Chưa hết, so sánh tính hiệu quả của Dự án nước mặt sông Đuống với Dự án nước Sông Đà đã được thực hiện trước đó, để thấy sự chênh lệch rất cao giữa hai dự án này. Theo đó, Dự án nước sông Đà hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác ngày 19/8/2008. Dự án có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, công suất nhà máy xử lý nước là 300.000m3/ngày, tuyến ống truyền tải nước sạch ống composite cốt sợi thủy tinh dài 46km, đường kính ống từ 1.500 - 1.800mm. Tính bình quân, Dự án nước sông Đà có suất đầu tư xấp xỉ 4,83 triệu đồng/m3 nước. Giá bán nước của dự án này là gần 5.000đ/m3.

Trong khi đó, Dự án nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, với 2 hợp phần chính. Gồm công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước công suất 150.000m3 nước/ngày đêm trên diện tích gần 61,5ha, tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km, sử dụng ống truyền tải và cấp 1 là ống HDPE và ống gang có đường kính từ 800 - 1.600mm. Giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án này là 9.289đ/m3, lộ trình tăng giá bán nước là 5%/năm (14 năm).

Chưa hết, như tên gọi, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống sử dụng nguồn nước mặt ở sông Đuống để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân Thủ đô. Sông Đuống bắt nguồn từ sông Hồng, đi qua các khu vực có nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, với nhiều nhà máy và khu công nghiệp tại thượng nguồn.

Việc so sánh các chỉ số đầu tư hai dự án được xây dựng trong hai thời điểm cách nhau khá xa (tới khoảng 10 năm) sẽ là khập khiễng. Tuy nhiên, mức chênh lệch rất lớn giữa hai dự án nước sạch về bản chất không khác biệt về công nghệ này vẫn là quá lớn. Đặc biệt khi công suất giai đoạn 1 nhà máy nước mặt sông Đuống chỉ bằng một nửa, nhưng tổng đầu tư lại gấp hơn 3 lần dự án nước sông Đà.

Được biết, nhà máy nước sông Đuống của Shark Liên sẽ cung cấp nước cho các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam TP bao gồm: quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì; một số xã của huyện Thanh Trì dọc trên đường Quốc lộ 70 thông qua các Công ty cấp nước phân phối trên địa bàn Hà Nội như Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty CP VIWACO, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông…

Đặc biệt ở chỗ, mặc dù khu vực Xa La tại quận Hà Đông đã có đường ống dẫn nước của nhà máy sông Đà, tuy nhiên, khu vực này vẫn nằm trong vùng đầu tư của dự án nhà máy nước sông Đuống. 

Thực tế, để đáp ứng nhu cầu về nước của khu vực đang phát triển phía Đông và phía Nam Hà Nội, từ nhiều năm trước, đã có 3 dự án nhà máy nước sạch cho thành phố được quy hoạch. Nhưng bởi nhiều lý do, nhiều dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Duy có dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống đã nhanh chóng được triển khai, và đang trở thành đại dự án nước sạch, với những đường ống thu nước ngày càng xa, kéo vốn đầu tư thêm lớn.

Lòng vòng quá trình góp vốn đầu tư

Ngày 8/6/2016, Công ty CP Nước mặt sông Đuống chính thức được thành lập với 4 pháp nhân là: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%); Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (5%); VIAC Limited Partnership (27%) và Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank Capita (58%).

Như vậy, cổ đông lớn nhất của dự án Nhà máy nước sông Đuống ban đầu không phải là Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên).

Trong suốt quá trình xây dựng cho đến khi Nhà máy đi vào hoạt động, Công ty CP Nước mặt sông Đuống không thay đổi đăng ký quy mô vốn điều lệ. Các cổ đông nhà nước là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch luôn duy trì tỷ lệ sở hữu cố định tại Công ty CP nước mặt sông Đuống.

Trong khi đó, nhóm các cổ đông tư nhân - vốn chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối lại có sự biến động.

Cụ thể, tới ngày 31/12/2018, VIAC và VietinBank Capital đã không còn xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của Công ty CP nước Sông Đuống, thay vào đó là các pháp nhân: Aqua One (sở hữu hơn 44,96 triệu cổ phần, tương đương 45% vốn điều lệ); CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 (30 triệu cp, tương đương 30% vốn điều lệ) và CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn (viết tắt: Saigon Capital, sở hữu 10 triệu cp, tương đương 10% vốn điều lệ).

Trong số này, CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 cũng là của Shark Liên. Còn với, khoản đầu tư của Saigon Capital tại Công ty CP nước sông Đuống cũng xuất phát từ việc ủy thác của nhà đầu tư trong nước. Tính đến cuối Quý 2/2019, Saigon Capital ghi nhận giá gốc của khoản đầu tư ủy thác là 350 tỷ đồng, tương đương với 35.000 đồng cho mỗi cổ phần Công ty nước sông Đuống.

Được biết, hiện Saigon Capital vẫn đang nắm giữ 10% cổ phần tại Công ty sông Đuống, trong khi đó, trên website của Công ty Aqua One (aquaone.vn) lại cho biết đang sở hữu tới 51% vốn điều lệ.

Nhiều người cho rằng, rất có thể Aqua One đã ủy thác đầu tư cho Saigon Capital. Theo đó, nguồn tiền của khoản ủy thác đầu tư này cũng là điều đáng bàn.

Mới đây, đầu quý 4/2019, theo thông tin từ Sở GDCK Thái Lan và từ CTCP nước Aqua One, một lượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu đã được chuyển qua cho một công ty Thái WHAUP, tổng cộng 34%.

Ong Lý
Cùng chuyên mục