Cam kết của Hà Nội với Shark Liên là phi thị trường, kiểm toán sẽ làm rõ

18/11/2019 10:29 GMT+7
Bình luận về việc Hà Nội cam kết với Công ty CP Nước mặt sông Đuống của Shark Liên với giá 10.246 đồng/m3 và người dân phải “cõng” lãi vay ngân hàng cho chủ đầu tư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, cho rằng đó là cam kết phi thị trường!

Sau phát ngôn của Sở Tài chính Hà Nội về việc giá nước sông Đuống đắt hơn nước sông Đà là vì người dân phải “cõng” thêm 2.003 đồng/m3 để trả lãi vay ngân hàng cho Công ty CP nước mặt sông Đuống do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm Chủ tịch HĐQT khiến người dân bức xúc.

Ngay sau thời điểm đó, Shark Liên đã đăng đàn trả lời câu hỏi “Nếu nước sông Đuống bán giá quá cao, các công ty không mua nước nữa thì sẽ thế nào?” khiến người dân càng bức xúc. Shark Liên nói: “TP. Hà Nội ký hợp đồng với chúng tôi với mức đầu tư này, công suất này thì chúng tôi mới triển khai đầu tư làm. Nếu không ký (với giá tạm tính 10.246 đồng) thì chúng tôi đầu tư lớn rồi lấy cái gì để trả cho ngân hàng? Khi ký hợp đồng thành phố cũng xác định các công ty mua với công suất bao nhiêu, với sản lượng đủ 300.000m3/ngày đêm”.

Tại sao người dân lại phải trả lãi vay ngân hàng thay cho chủ đầu tư? Cam kết giữa Hà Nội và Công ty CP nước mặt sông Đuống của Shark Liên có đúng hay không? Hà Nội chi ngân sách bù lỗ vì mua nước sông Đuống giá cao có đúng hay không? Đây là những câu hỏi mà người dân cần có câu trả lời thoả đáng từ phía chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước. Để giải đáp phần nào những câu hỏi này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Cam kết giữa Shark Liên và Hà Nội là phi thị trường, kiểm toán sẽ làm rõ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, để làm rõ việc Hà Nội bù ngân sách có đúng hay không cần phải làm rõ hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Thưa ông, mới đây tại buổi giao ban báo chí Thành ủy TP. Hà Nội, lãnh đạo Sở Tài chính đã giải thích, giá nước nhà máy sông Đuống cao là do phải gánh lãi gần 4.000 tỷ đồng vốn vay của nhà đầu tư. Xin ông cho biết, việc tính lãi suất vào giá nước có hợp lý không?

- Tôi không muốn can thiệp sâu vào công việc làm ăn của doanh nghiệp. Việc họ tính toán chi phí giá thành nước cao đến mức nào đó là vấn đề của họ. Vấn đề tôi quan tâm ở đây: Tại sao khi họ đưa ra mức giá cao như vậy, TP. Hà Nội vẫn quyết định mua?

Cũng như câu chuyện, một công ty họ may ra một chiếc comple và họ định giá bán ra cho chiếc áo này khoảng 2 triệu đồng. Vậy mua hay không đó là quyền của chúng ta cần gì phải quan tâm đến họ tính toán thế nào mà bán đắt thế?

Ở trường hợp với nhà máy nước mặt sông Đuống cũng vậy, tôi chỉ quan tâm là tại sao họ bán giá cao mà Hà Nội vẫn chấp nhận mua?

Tại tờ trình ngày 27/12/2018, các cơ quan liên ngành đã đề nghị UBND TP Hà Nội cấp bù trong năm 2019 cho việc mua nước nhà máy sông Đuống với số tiền gần 200 tỷ đồng. Ngày 9/1/2019, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội: Chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của liên ngành. Ông đánh giá thế nào về việc dùng ngân sách bù lỗ của TP.Hà Nội?

- Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tìm hiểu xem Hà Nội ký hợp đồng mua nước nhà máy sông Đuống là hợp đồng gì? Đó là hợp đồng đối tác công tư (PPP) hay đó là hợp đồng mua đứt bán đoạn?

Nếu đúng hợp đồng theo hình thức PPP thì Hà Nội phải có trách nhiệm bù lỗ để đảm bảo con số kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này phải thể hiện trong hợp đồng và sau 10 năm hay 20 năm… nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ là tài sản của UBND TP.Hà Nội.

Theo đó, việc Hà Nội bù lỗ cho doanh nghiệp này là hoàn toàn đúng. Đây là hình thức doanh nghiệp, nhà nước cùng hỗ trợ cho người dân. Và trong việc này thì người dân đang được hưởng lợi.

Trong trường hợp là hợp đồng mua nước thì chúng ta cần xem xét lại. Nếu Hà Nội bất khả kháng phải mua nước của nhà máy nước mặt sông Đuống để cung ứng, và chấp nhận mua giá cao để người dân có được giá nước như nội đô thì đó là mặt tích cực.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta vẫn có thể mua nơi khác giá rẻ hơn nhưng vẫn quyết bỏ tiền ngân sách bù lỗ đó là vấn đề lớn. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới đây, TP.Hà Nội phải giải trình với HĐND thành phố về việc chi tiêu này.

 
Cam kết giữa Shark Liên và Hà Nội là phi thị trường, kiểm toán sẽ làm rõ - Ảnh 3.

Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh Tiền Phong.

Trong một lần trả lời báo chí mới đây, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT nhà máy nước mặt sông Đuống, cho biết: “TP. Hà Nội ký hợp đồng với chúng tôi với mức đầu tư này, công suất này thì chúng tôi mới triển khai đầu tư làm. Nếu không ký (với giá tạm tính 10.246 đồng) thì chúng tôi đầu tư lớn rồi lấy cái gì để trả cho ngân hàng?”. Như vậy, có nghĩa là Hà Nội đã cam kết với nhà máy nước sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 khi đưa ra mời gọi đầu tư. Ông bình luận gì về câu nói này?

- Shark Liên trả lời như vậy là phi thị trường! Giả sử, trường hợp đúng là Hà Nội đã cam kết về giá với doanh nghiệp như vậy cũng đi ngược lại với các quy luật kinh tế thị trường. Tại sao Hà Nội phải cam kết mua hàng hóa với giá đó thì công ty của Shark Liên mới đầu tư?

Để làm rõ có việc này có hay không, chúng ta phải xem hợp đồng pháp lý. Nếu có hợp đồng thì đó là loại hợp đồng gì? Người đứng ra thực hiện hợp đồng đó có đủ thẩm để ký không?

Hiện Sở tài chính giải thích rằng giá đắt do phù sa nhiều, công nghệ mới, còn phía Shark Liên lại nói rằng phải cam kết mua giá cao thì tôi mới đầu tư. Tất cả những cách lý giải này đều phi thị trường và cần được làm rõ.

Hiện TP.Hà Nội hiện chấp nhận mua giá nước sông Đuống với giá tạm tính là 10.246 đồng/m3, giá bán buôn của doanh nghiệp này bán cho hai công ty khác là 7.700 đồng/m3. Giá buôn này còn cao hơn giá bán lẻ của nước nhà máy sông Đà. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Hà Nội cần phải trả lời rõ về những căn cứ nào để đưa ra mức giá tối đa là 10.246 đồng/m3. Nếu nói nước sông Đuống sạch hơn nên giá phải cao thì cũng phải đưa ra những căn cứ để chứng minh.

Ngoài ra, Sở Tài chính nói rằng, nhà máy nước mặt sông Đuống đầu tư tốn kém vậy, tại sao lại đồng ý cho họ làm đường ống dẫn nước bên đấy về khu Xa La (Hà Đông). Trong khi khu vực này đã có sẵn đường ống của nhà máy nước sông Đà? Vậy đầu tư thêm làm gì để chi phí tốn kém hơn?

Hơn nữa, hiện quy định giá bán buôn không được cao hơn giá bán lẻ, vậy tại sao Hà Nội vẫn quyết định mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống của Shark Liên mà không mua nước của nhà máy nước sạch sông Đà, trong khi giá của Viwasupco chỉ có hơn 5.000 đồng/m3?

Tất cả những vấn đề  này, Hà Nội phải trả lời một cách rõ ràng, minh bạch, chứ không thể chung chung được.

Có ý kiến cho rằng kiểm toán phải vào cuộc?

- Chắc chắn kiểm toán Nhà nước sẽ vào cuộc để kiểm tra việc chi tiêu ngân sách của UBND TP Hà Nội trong năm 2019. Kiểm toán sẽ kết luận về việc chi ngân sách bù lỗ của TP. Hà Nội có đúng hay không.

Tuy nhiên, đây không không phải là kiểm toán đột xuất nên cần có kế hoạch hằng năm được Quốc hội thông qua. Tôi tin đến cuối năm, chắc chắn kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện việc này.

*Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Ong Lý/Dân Việt
Cùng chuyên mục