Chuyên gia: Lãi suất điều hành giảm ngay trong quý II, không loại trừ khả năng "quay đầu" vào cuối năm

12/05/2023 07:18 GMT+7
Nhiều chuyên gia, nhà phân tích đều có chung nhận định cho rằng, Việt Nam vẫn có dư địa giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất điều hành có thể giảm ngay trong quý II này.

Các chuyên gia phân tích đều có chung đánh giá cho rằng, hiện có nhiều yếu tố thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cắt giảm lãi suất. Các yếu tố này bao gồm: Cục dự trữ Liên bang Mỹ nhiều khả năng đã "khép" lại chu kỳ tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, đưa lãi suất lên mức kỷ lục của 15 năm; áp lực về tỷ giá giảm; thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước tốt hơn so với quý IV/2022, tín dụng tăng chậm,…

"Lãi suất của Việt Nam năm 2023 còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tổ chức tín dụng còn yếu kém do đó lãi suất còn cao,… Tuy nhiên, nếu dung hòa được chính sách, chúng ta vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý II năm 2023", TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh.

Thậm chí, như chia sẻ của TS Cấn Văn Lực, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã đi trước một bước trong giảm lãi suất điều hành ( giảm lãi suất điều hành 2 lần từ đầu năm đến nay vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4). Thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4%/năm đến năm 2025 - mức thấp tương đương với lãi suất trước đại dịch Covid 19.

Loạt dự báo mới: Lãi suất điều hành giảm ngay trong quý II, không loại trừ khả năng "quay đầu" vào cuối năm - Ảnh 1.

Nguồn: VnDirect

Đồng tình, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Vn-Direct phân tích: Trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có hai đợt giảm lãi suất điều hành, đánh dấu sự đảo chiều về chính sách tiền tệ trong nước. Trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng gia tăng, thị trường kỳ vọng Fed sẽ dừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023. Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. "Theo đó, chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023", ông Hinh dự báo.

Cũng theo tính toán của ông Hinh, đến ngày 08/05/2023, chỉ số DXY giảm xuống còn 101,1 điểm, thấp hơn 4,0% kể từ khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ. DXY giảm kéo theo tỷ giá USD/VND giảm 0,8% so với đầu năm xuống 23.449. Nhờ áp lực tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước đã tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm khoảng 140.000 tỷ đồng ra nền kinh tế để mua USD, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất trong nước.

Còn theo dự báo của ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025.

Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt là vào cuối năm, do Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ chú trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.

"Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước còn hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bằng cách cho họ thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất. Thị trường bất động sản có thể sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản do các biện pháp tính đã được triển khai tính đến nay mới chỉ giúp làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn." ông Tim Leelahaphan chia sẻ.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ngay tại hội nghị "Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ" diễn ra ngày hôm qua (11/5), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới".


Huyền Anh
Cùng chuyên mục