Dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao 27.000 tỷ đồng, vì sao còn khiêm tốn?

20/11/2020 12:31 GMT+7
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến nay, dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao mới đạt 27.000 tỷ đồng và cho vay chuỗi liên kết giá trị dư nợ mới chỉ ở mức 5.000 tỷ đồng, ở mức mà ngành ngân hàng đánh giá là khiêm tốn.

Sáng nay 20/11, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hiệp định EVFTA - Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU".

Cho vay nông nghiệp công nghệ cao

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao mới đạt 27.000 tỷ

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay khoảng hơn 9 triệu tỷ đồng. Tốc độ năm 2020 có thể chậm hơn so với các năm trước do Covid-19 cũng như tác động của thiên tai, bão lũ. Trong đó, lĩnh vực cho vay nông nghiệp - nông thôn chiếm khoảng 2,16 triệu tỷ đồng.

Trong 2,16 triệu tỷ đồng nói trên, có 27.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; 5.000 tỷ đồng cho những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết giá trị. Riêng, Agribank là ngân hàng chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn. Với mạng lưới rộng khắp, thì dư nợ của Agribank vào khoảng hơn 86.000 tỷ đồng, chiếm đến 40% tổng dư nợ của nông nghiệp nông thôn cả nước.

Phó Thống đốc nhắc lại, cách đây 4 năm, tại một hội nghị ở TP.HCM, Thủ tướng đã giao cho ngành ngân hàng có ngay gói 50.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Và ngành ngân hàng cũng đã có ngay gói này. Sau đó, một sự kiện ở Hà Nam, có một dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trồng rau tại Hà Nam, Thủ tướng thấy đó là con đường đi lên của nông nghiệp nên có giao thêm 1 con số nữa là 100.000 tỷ đồng.

"Tôi cũng đã nhận nhiệm vụ với Thủ tướng là có 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Các ngân hàng cũng đã rất hưởng ứng con số 100.000 tỷ đồng đó. Thế nhưng đến nay, dư nợ cho nông nghiệp công nghệ cao mới đạt 27.000 tỷ đồng. Đây là con số mà ngành ngân hàng chúng tôi rất suy nghĩ", ông Đào Minh Tú nói.

Liên quan đến cho vay chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ông Đào Minh Tú cho hay, cách đây khoảng 5 năm, có 22 dự án chuỗi liên kết thí điểm được tích cực "bơm" vốn. Sau đó, mở rộng ra được một số doanh nghiệp. Thế nhưng đến nay, dư nợ mới chỉ ở mức 5.000 tỷ đồng, ở mức mà ngành ngân hàng đánh giá là khiêm tốn.

"Rõ ràng, chủ trương của Đảng và Nhà nước rất ủng hộ; cơ chế chính sách không thiếu; rồi có mạng lưới rộng khắp của các tổ chức tín dụng, vậy mà tại sao vốn vào 2 lĩnh vực nói trên vẫn chưa gia tăng được? Chưa phát triển nhanh được?" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt vấn đề.

Những "nút thắt" cho vay nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi liên kết

Nêu ý kiến về các vấn đề Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú vừa đặt ra, bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận rằng, đầu tư tín dụng với các mô hình liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế".

Bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) phát biểu. Ảnh: Tô Thế

Bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) phát biểu. Ảnh: Tô Thế

Theo bà Giang, việc phát triển ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong nông nghiệp được coi là một xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp then chốt trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới sự phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Về cơ chế, chính sách tín dụng khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, bà Giang cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Từ Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, sau đó được thay thế bởi Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và gần đây nhất là Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

Những chính sách đó đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay đã có trên 80 tổ chức tín dụng và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn với địa bàn rộng khắp cả nước. Tính bình quân giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 19,83%, cao hơn mức tăng 16,02% tín dụng chung của nền kinh tế.

"Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn châu Phi…, song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có tăng trưởng khá. Đến cuối tháng 10/2020 ước đạt trên 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế" - bà Giang chia sẻ.

Về những khó khăn, hạn chế, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế cho hay, việc triển khai cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, thách thức như: Đầu tư tín dụng đối với các mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân;

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình bài bản, hiệu quả, nguồn lực tài chính yếu.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, ngành nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng "kép" từ dịch bệnh Covid-19 và bão lụt liên miên.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo bà Giang, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất góp phần ổn định nền tảng vĩ mô để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó mạnh dạn đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và chuỗi liên kết trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng tham gia chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay…

Huyền Anh
Cùng chuyên mục