Dư nợ tín dụng tăng gần gấp đôi huy động
Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối tháng 4, tiền gửi cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt gần 15,2 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng liền trước.
Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 7,54 triệu tỷ đồng, tăng 6,69% so với đầu năm. Riêng trong tháng 4, tiền gửi cư dân đã tăng thêm khoảng gần 67.650 tỷ đồng.
Tiền gửi của doanh nghiệp đạt gần 7,63 triệu tỷ đồng, giảm 0,55% so với cuối năm 2024. Nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 3, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 104.913 tỷ đồng.
Ngoài ra, NHNN cho biết tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 4 đạt hơn 18,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm.
Theo đó, tính đến hết tháng 3/2024, tín dụng đối với các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông… cũng ghi nhận tăng tối thiểu 2,5% so với cuối năm 2024.
Trong đó, các hoạt động dịch vụ khác tăng 6,59% lên 6,73 triệu tỷ đồng ghi nhận mức tăng mạnh nhất.
Theo sau đó là hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông tăng 4,85%, đạt gần 4,62 triệu tỷ đồng, bao gồm: thương mại tăng 4,34% lên 4,2 triệu tỷ đồng; vận tải và viễn thông tăng 10,27% lên 420.794 tỷ đồng.
Theo sau đó là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với dư nợ 4,04 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm trước. Trong đó, công nghiệp tăng 4,93% so với đầu năm lên 2,8 triệu tỷ đồng và xây dựng tăng 3,56% lên 1,23 triệu tỷ đồng.
Cuối cùng là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5% lên 1,04 triệu tỷ đồng.

Dữ liệu thống kê của Etime cập nhật đến hết tháng 4/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,9% so với tháng cuối cùng của năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế là 5,3%.
Nếu xét theo giá trị, tiền gửi khách hàng của các TCTD ước tính tăng thêm gần 430.497 tỷ đồng, trong khi dư nợ tính dụng tăng hơn 830.347 tỷ đồng, tương ứng bằng 1,92 lần mức tăng của tiền gửi.
Việc chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng mở rộng, buộc các ngân hàng sớm muộn phải có phương án điều chỉnh lãi suất.
Tại phiên họp Quốc hội ngày 19/6, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, vốn trong nước, kể cả vốn trung và dài hạn, vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng và tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 đã đạt mức 134% - cao so với nhiều nước.
“Nếu tiếp tục dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, sẽ tiềm ẩn rủi ro hệ thống cho nền kinh tế, khó đạt được mục tiêu vừa tăng trưởng cao vừa đảm bảo bền vững”, tư lệnh ngành ngân hàng nói.
Để kiểm soát rủi ro, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp thực tế. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành linh hoạt, hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Bà nhấn mạnh để tăng trưởng cao, phát triển bền vững, các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính cần lưu ý cân đối nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm; dự phòng vốn cho các dự án để không bị động và không tạo áp lực thu xếp vốn...

Tính đến cuối tháng 4, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2- 4,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Mức 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 4,8-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Cập nhật mới nhất, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II/2025 và 6 tháng đầu năm vừa được Tổng Cục Thống kê, cho biết mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm.
Cụ thể, tính đến thời điểm 26/6/2025, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,09% so với cuối năm 2024 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,48%). Trong khi đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,11% (cùng thời điểm năm trước tăng 1,82%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,3% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,85%).
Trong báo cáo thị trường tiền tệ tháng 5, các chuyên gia Chứng khoán MBS cho biết mặc dù lãi suất huy động đang trên đà giảm, lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm với kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt hoặc thậm chí vượt mục tiêu đề ra là 16%.
"Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ dao động trong khoảng 5,5% - 6% trong năm 2025", báo cáo nhận định.