Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Vì sao giảm năng lượng tái tạo, tăng điện than?

18/09/2021 15:19 GMT+7
Mới đây, Bộ Công Thương đã có thông tin về việc tăng phương án phụ tải cơ sở năm 2030 với điện than trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Nhu cầu sử dụng điện ở miền Bắc sẽ tăng, cần chủ động nguồn

Mới đây, sau khi rà soát ở Dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhiều thay đổi đáng chú ý đã được thực hiện, Trong đó, đáng chú ý phương án phụ tải cơ sở năm 2030 sẽ giảm 8.170 MW nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) và tăng 3.076 MW nhiệt điện than.

Lý giải về nội dung trên, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, nhằm hạn chế tối thiểu nhận điện từ miền Trung, Miền Bắc cần chủ động xây dựng thêm các nguồn điện để đảm bảo cân đối nguồn – tải nội miền.

"Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, được Bộ Công thương đánh giá tính khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện VIII.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Vì sao giảm năng lượng tái tạo, tăng điện than? - Ảnh 1.

Việc giảm nhiệt điện than cần có lộ trình, chưa thể bỏ ngay lập tức. (Ảnh: EVN)

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII so với Quy hoạch Điện VII đã giảm khá nhiều điện than, trong khi năng lượng tái tạo đã được tăng lên đáng kể. Cụ thể, tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.000 MW", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường.

Chính vì vậy, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% vào năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.

Lý giải về việc tăng công suất điện than hơn 3.000 MW, nhưng giảm hơn 8.000 MW nguồn điện NLTT so với Tờ trình 1682 hồi tháng 3/2021, ông Dũng cho biết, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ tăng nhanh.

Trong khi, miền Trung, nhu cầu điện thấp, nhưng có lợi thế rất lớn về tiềm năng năng lượng sơ cấp, nhất là năng lượng gió và mặt trời, nên trong dự thảo trước, dự kiến phát triển ở đây một số nguồn điện lớn nhằm cấp điện cho miền Bắc.

Lúc này, cũng phải xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc với tổng mức đầu tư lớn, điện năng truyền tải ở mức độ cao gây nhiều tổn thất.

Do đó, miền Bắc cần chủ động xây dựng thêm các nguồn điện để đảm bảo cân đối nguồn – tải nội miền, hạn chế tối thiểu nhận điện từ miền Trung.

Khi đã phát triển nguồn điện cho miền Bắc đủ, công suất của miền Trung đẩy ra miền Bắc giảm, dẫn tới công suất nguồn điện năng lượng tái tạo ở miền Trung sẽ giảm.

"Điều này cũng đảm bảo yêu cầu rà soát của Chính phủ về đầu tư nguồn điện hợp lý, tránh đầu tư lãng phí, cân đối theo vùng miền, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy", ông Dũng nhấn mạnh.

Chưa thể "đoạn tuyệt" với nhiệt điện than

Việc tiếp tục phát triển các dự án điện than trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đang dấy lên nhiều ý kiến lo ngại. Theo đó, loại hình đang đi ngược với xu thế mới của khu vực và toàn cầu, góp phần gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu và phát thải khí nhà kính.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia đầu ngành khẳng định, nhiệt điện than là "xương sống" của ngành điện ở Việt Nam. Do đó, phải giữ được mức độ ổn định và giảm dần chứ chưa thể ngay lập tức "đoạn tuyệt" với nhiệt điện than.

Lấy dẫn chứng về việc Việt Nam chưa thể bỏ nhiệt điện than, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, hiện thế giới vẫn duy trì loại hình năng lượng này. Theo đó, chỉ riêng Trung Quốc hiện có trên 700.000 MW, trong khi Việt Nam dự kiến chỉ có 40,7 GW thì điều đó không đáng lo ngại.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Vì sao giảm năng lượng tái tạo, tăng điện than? - Ảnh 2.

Việc giảm NLTT nhưng tăng điện than cần được cân nhắc kỹ lưỡng. (Ảnh: EVN)

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ khuyến nghị, Việt Nam cần cân nhắc vì đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, nhưng dự thảo lại tăng công suất điện than và cắt giảm NLTT.

Ông Tuấn dẫn chứng, việc phát triển điện than cần nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, không nên nhìn dưới góc độ kỹ thuật hay kinh tế năng lượng. Đặc biệt, vừa qua, Nghị viện châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mà các nước xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu, trong đó có Việt Nam phải quan tâm.

"Do đó, nếu hàng hóa của chúng ta bị đối tác định giá lượng khí thải quá cao từ việc sử dụng nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường, sẽ bị áp trần nhất định khi đưa hàng hóa vào châu Âu", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục